Nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng để con ở nhà là thoát khỏi nguy hiểm. Thật không may, điều này lại có thể là sai lầm, bởi vì Internet đã trở thành một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của con người thời hiện đại.
Đã có rất nhiều em nhỏ sử dụng các trang mạng xã hội đã trở thành nạn nhân và bị bắt nạt trên web hay rất nhiều vụ bắt cóc, xâm hại chỉ vì sự non nớt, cả tin của trẻ nhỏ.
Mới đây nhất, trên mạng xuất hiện thông tin một bé gái lớp 11 tên Y.N. ở Hà Nội mất tích giữa đêm. Theo phản ánh của mẹ bé gái, Y.N. tối hôm trước vẫn ngủ trong nhà nhưng sáng ra mọi người vào gọi dậy thì tá hỏa không thấy N. đâu. Quá lo lắng, gia đình chị đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không có kết quả.
Qua trích xuất camera, gia đình phát hiện có một thanh niên đi ô tô đến trước cửa nhà đón N. rồi rời đi ngay sau đó. Cũng theo mẹ N. chia sẻ, nam thanh niên này người Hà Giang, là bạn quen qua mạng của con gái, cả hai liên lạc với nhau khoảng 2 tháng nay.
Vụ việc một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo đến các phụ huynh về việc: Làm sao để vừa có thể tận dụng lợi ích từ mạng xã hội mà vẫn có thể bảo vệ con cái khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ nó?
1. Đặt ra các quy tắc
Khi đưa ra các quy tắc, cha mẹ nên suy nghĩ một cách cẩn thận. Kiểm soát quá nhiều có thể khiến con giấu diếm và lén lút bởi chân lí đơn giản mà cả người lớn và trẻ em đều biết rằng trái cấm luôn ngọt ngào. Nếu bạn không muốn rắc rối này xảy ra, hãy để con bạn từ từ quen với các quy tắc sử dụng mạng xã hội mà bạn đề ra thay vì cấm đoán một cách độc đoán.
Trong trường hợp con bạn nói rằng chúng quên thực hiện một số quy tắc, bạn nên nhắc nhở nhẹ nhàng và tạo một danh sách các quy tắc rồi đặt nó ở phía trước máy tính cho trẻ dễ nhìn và ghi nhớ những gì chúng được làm và những gì bị nghiêm cấm.
2. Cài đặt phần mềm kiểm soát
Có nhiều phần mềm công nghệ bao gồm các chương trình giám sát lưu lượng truy cập Internet, ngăn chặn truy cập đến các trang web độc hại và cung cấp bảo vệ chuyên nghiệp Internet mà cha mẹ nên cài đặt và sử dụng để kiểm soát nội dung con mình đã truy cập.
3. Không kết bạn với người mà con chưa từng gặp và quen biết
Việc gửi một lời mời kết bạn và chấp nhận lời mời này là cực kỳ dễ dàng ở bất kỳ trang mạng xã hội nào. Nhưng khi con đồng ý cho ai đó làm bạn với mình trên mạng xã hội, tức là con đã cho họ có cơ hội đào bới, dò xét và xâm nhập vào những thông tin riêng tư của chính con. Vì thế, bố mẹ cần nhắc con cực kỳ cẩn trọng trong việc kết bạn, nhất là với những người lạ mặt mà con chưa từng quen biết.
4. Kiểm soát những gì trẻ đăng tải trên mạng xã hội
Cha mẹ cần dạy con không nên kết bạn một cách tùy tiện. Đồng thời, phải biết con muốn chia sẻ hình ảnh gì với bạn bè và phân tích cho con nếu đưa những nội dung như hình ảnh cá nhân có tính chất riêng tư, địa chỉ, điện thoại gia đình, trường, lớp của con… lên các trang mạng xã hội, thì sẽ gặp những nguy hiểm tiềm ẩn như thế nào. Hãy hướng dẫn trẻ biết bảo mật thông tin cá nhân, chỉ nên đăng những nội dung và bức ảnh hoàn toàn vô hại không quá gây chú ý của mọi người.
5. Không tiết lộ danh tính của mình với bất cứ người lạ nào
Suy nghĩ của trẻ nhỏ thường ngây thơ và dễ bị lừa dối. Các con có thể nghĩ rằng mình biết rất rõ về người bạn trên mạng đó, nhưng thực tế lại đều là những thông tin sai sự thật. Bởi vậy, hãy luôn nhắc nhở con cái rằng đừng bao giờ tiết lộ danh tính của mình cho bất kỳ ai mà con không quen biết, chưa từng gặp gỡ và thân thiết ngoài đời thực. Những thông tin cần được bảo mật bao gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại, nơi ở, trường lớp, tài khoản thẻ, những người thân trong gia đình.
6. Tuyệt đối không đi gặp người bạn quen qua mạng một mình
Nếu con có một người bạn trên mạng và quyết định gặp mặt họ, hãy thông báo với bố mẹ ngay lập tức. Khi xét thấy tình hình trong tầm kiểm soát, bố mẹ có thể đi cùng con hoặc một người anh chị lớn mà con và bố mẹ cùng tin tưởng. Điều này là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sự an toàn của con.
7. Cha mẹ phải làm gương:
Điều này là rất cần thiết để trẻ noi theo cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh và an toàn. Nếu cha mẹ cũng nghiện các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng cùng mạng xã hội và sử dụng mọi nơi, mọi lúc sẽ tạo nên một tiền lệ xấu cho con. Cần biết tiết chế khi vào mạng xã hội và khuyến khích trẻ vào những hoạt động ngoài trời cũng như học kỹ năng sống, học cách chăm sóc bản thân.