Sau vấn nạn lan truyền tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19, nay lại xuất hiện thêm nhiều hình thức lừa đảo tinh vi hơn, làm chậm bước tiến dập dịch trên toàn cầu. Khi nhiều nước yêu cầu người dân xuất trình “Thẻ thông hành xanh” chứng nhận đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 thì mới được sử dụng một số dịch vụ trong đời sống sinh hoạt, nhu cầu sử dụng thẻ này đã tăng lên nhanh chóng, trong khi vẫn còn một bộ phận dân cư chưa tiêm chủng, vô tình tạo cơ hội cho những kẻ trục lợi kiếm tiền thông qua việc chào bán thẻ chứng nhận giả.
Thủ đoạn của các đối tượng được đánh giá là rất tinh vi, giao dịch qua các ứng dụng mạng xã hội như Telegram và WhatApp, hay các nền tảng liên lạc được mã hóa, thanh toán bằng tiền điện tử, tiền ảo Bitcoin với tài khoản người nhận ẩn danh. Cảnh sát Italia thời gian qua đã triệt phá thành công nhiều đường dây làm giả chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 quy mô lớn, chặn đứng 32 nhóm tin nhắn trên Telegram với hàng nghìn người đăng ký mua giấy tờ giả.
Giới chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ từ đầu năm đến nay cũng thu giữ hàng nghìn thẻ vaccine Covid-19 giả có logo của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cảnh báo, làm giả thẻ chứng nhận tiêm vaccine là phạm pháp, có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên đến 5 năm nếu có con dấu của chính phủ giả mạo.
Bà Summer Stephan, luật sư hạt San Diego cho biết: “Chúng tôi bắt đầu chứng kiến vấn nạn này từ đôi tháng trước. Nhưng xem ra bây giờ xu hướng bùng nổ hơn. Đó đích thị là hành vi gian lận nếu bạn sử dụng giấy chứng nhận giả. Không chỉ những đối tượng giao bán giấy tờ giả sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà ngay cả người mua chúng cũng sẽ gặp rắc rối lớn.”
Bên cạnh câu chuyện mua bán giấy chứng nhận vaccine giả, lại thêm thủ đoạn tổ chức tội phạm núp bóng trung gian, chào mời chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới ký kết các hợp đồng mua bán vaccine ngừa Covid-19 bất hợp pháp có trị giá hàng triệu USD. Hàng loạt các nước như Hà Lan, Pháp, Israel, Séc, Áo, Argentina, Colombia, Brazil, Canada, Tây Ban Nha…được mời chào bởi các đối tượng, tổ chức môi giới mạo danh “bên thứ 3” chuyên cung cấp số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 của các hãng dược phẩm uy tín.
Sau khi nhiều thủ đoạn lừa đảo kiểu này bị phanh phui, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) phát đi cảnh báo về hình thức tội phạm mới này, các nhà sản xuất vaccine lớn như Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca đã chính thức lên tiếng khẳng định rằng các hợp đồng mua bán vaccine ngừa Covid-19 được các hãng này ký kết trực tiếp với Chính phủ các nước, không qua trung gian hoặc bất kỳ một bên thứ 3 nào. Mọi lời chào mời, giao bán trên mạng xã hội, điện thoại hay bất kỳ hình thức phi Chính phủ nào khác đều là hành động lừa đảo bán vaccine.
Chưa rõ liệu đã có bất kỳ loại giao dịch nào thành công hay chưa nhưng thực tế là những âm mưu này chủ yếu nhắm đến các quốc gia đang phát triển-nơi đang rất mong ngóng nguồn cung vaccine để khống chế dịch bệnh. Hiện nay, nhiều nước đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine bảo vệ sinh mạng người dân khỏi Covid-19 song nguồn cung còn khá ít ỏi. Chính thực tế này khiến các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế và giới chuyên gia về an ninh lo ngại, việc thiếu nguồn cung vaccine có thể khiến chính phủ các nước vô tình cho phép các thỏa thuận gian lận.
Vì vậy, để đối phó với loại hình tội phạm mang tính chất phức tạp này, cần có sự phối hợp và vào cuộc của nhiều bên, từ các cấp chính phủ, các tổ chức đoàn thể liên quan cho tới doanh nghiệp, các hãng cung ứng dược phẩm để không quốc gia nào trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ”, rơi vào cạm bẫy của những kẻ lừa đảo âm mưu trục lợi thời dịch bệnh.
Phương Anh - VOV1