Ông Mike Gwin cho biết: "Trò chơi nguy hiểm này không thể thay đổi sự thật rằng ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới. Tất cả những cáo buộc vô căn cứ đó đã được kiểm tra và Bộ trưởng Tư pháp thuộc chính quyền của Tổng thống Trump đã bác bỏ các cáo buộc này."
Cùng ngày, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện - Thượng nghị sỹ Chuck Schumer đã ra tuyên bố về động thái mới nhất của Thượng nghị sỹ Ted Cruz cùng các nghị sỹ khác về việc thách thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong tuyên bố trên Twitter, ông Schumer khẳng định: "Ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống của Mỹ trong ngày 20/1 tới".
Được biết, Thượng nghị sĩ Ted Cruz tại Texas là người khởi xướng phong trào phủ quyết kết quả bầu cử trước quốc hội vào ngày 6/1. Ông Cruz đã kêu gọi được 10 đồng minh thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện cùng tham gia.
Một đảng viên Cộng hòa khác cũng hướng đến mục tiêu phủ nhận chiến thắng của ông Biden. Dẫu vậy, Thượng nghị sĩ Josh Hawley ở Missouri lại chọn hướng đi riêng khi tham gia vào nỗ lực "lật kèo" kết quả bầu cử cùng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện.
Hai phong trào trên vô tình gây chia rẽ trong đảng Cộng hòa. Hôm 2/1, Thượng nghị sĩ Pat Toomey của đảng này đã công kích hai ông Hawley và Cruz. Ông Toomey cho rằng những động thái gần đây của một số đảng viên Cộng hòa đang "trực tiếp làm suy giảm" khả năng bầu ra những người lãnh đạo cho đảng này.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Hawley đáp trả ông Toomey: "Chúng ta không nên nhét chữ vào mồm nhau, cũng không nên đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về ý định của các thượng nghị sĩ trong đảng. Tôi chưa bao giờ khẳng định sẽ đại diện cho tiếng nói của bất kỳ nghị sĩ nào khác, nhưng tôi lên tiếng thay cho cử tri của mình, đặc biệt là về những vấn đề quan trọng như kết quả bầu cử".
Hiện những nỗ lực nhằm phủ quyết chiến thắng của ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 từ phía các đảng viên Cộng hòa đều bị lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell phản đối.
10 thượng nghị sĩ tham gia cùng ông Ted Cruz bao gồm Ron Johnson (Wiconsin), James Lankford (Oklahoma), Steve Daines (Montana), John Kennedy (Louisiana), Marsha Blackburn (Tennessee), Mike Braun (Indiana), Cynthia Lummis (Wyoming), Roger Marshall (Kansas), Bill Hagerty (Tennessee) và Tommy Tuberville (Alabama).
“Chúng tôi dự định bỏ phiếu vào ngày 6/1 để phản đối kết quả bầu cử tại các bang tranh chấp vì chúng không đảm bảo tính hợp lệ về mặt pháp lý”, 11 thượng nghị sĩ nói trên cho biết trong một thông cáo. "Chúng tôi sẽ theo đuổi nỗ lực này đến cùng, cho đến khi nào một cuộc điều tra khẩn cấp về kết quả bầu cử kéo dài trong 10 ngày được tiến hành".
Theo Hiến pháp Mỹ, các thành viên Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ nhóm họp vào ngày 6/1 để mở và kiểm các phiếu bầu của cử tri đoàn. Theo đó, Phó Tổng thống Pence, Chủ tịch Thượng viện, sẽ mở tất cả các giấy chứng nhận, sau đó các phiếu bầu sẽ được kiểm đếm. Người có số phiếu bầu cao nhất sẽ là tổng thống.
Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ngày 14/12/2020 cho thấy, ông Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, còn Tổng thống Trump là 232 phiếu.