Gánh cua dì Ba hot rầm rộ một thời ở Sài Gòn giờ vắng vẻ, bà cụ tuổi xế chiều vừa mưu sinh vừa làm từ thiện

Sau hơn 4 năm nổi tiếng, dì Ba vẫn hằng ngày cần mẫn bên gánh hàng cua. Không còn cảnh khách hàng đông đúc chen lấn mua cua như trước, dì Ba bán chậm rãi, cứ hết hàng lại về.

Cách đây khoảng 4 năm, mạng xã hội rầm rộ thông tin về gánh hàng cua của dì Ba. Con hẻm nhỏ nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) trở nên đông đúc tấp nập khi khách hàng kéo nhau nườm nượp đến mua cua. Mặc dù được bán với giá không hề rẻ, từ 650.000 - 1.000.000 đồng/kg nhưng mâm cua của dì Ba cứ vừa mang ra là hết veo. Thậm chí nhiều người xếp hàng lấy số chờ đợi trước khi dì Ba mở bán, nếu không nhanh tay thì không thể mua được để thưởng thức.

Chất lượng cua ngon, sự nhiệt tình của dì Ba kèm thông tin được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến gánh cua này hot rần rần, người dân Sài Gòn gần như đều muốn đến mua thử. Mỗi con cua được dì Ba tuyển chọn kỹ càng, làm sạch, hấp chín. Mâm cua được sắp xếp đẹp mắt, tỉ mỉ tặng kèm chanh và muối chấm khiến khách hàng yêu thích.

Gánh cua từng hot rần rần một thời 

Đến con hẻm 565 trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) vào một buổi chiều Sài Gòn nắng gắt, dì Ba vẫn ngồi bên mâm cua quen thuộc. Gánh hàng cua của dì Bà nằm sát bên cạnh sạp hoa quả, tranh thủ lúc không có khách, dì Ba nói chuyện cùng những bạn hàng. Con đường này vốn không đông đúc người qua lại, gánh cua cũng không còn tấp nập như trước. Dì Ba ngồi nhìn quanh, thỉnh thoảng có khách đến hỏi mua cua.

Vẫn là chiếc mâm sắt với 2/3 diện tích để xếp những con cua đỏ đủ kích thước, khoảng trống còn lại để một ít chanh và túi nước chấm kèm theo cho khách khi mua cua. Dì Ba tỉ mỉ xếp các con cua một cách ngay ngắn.

Dì Ba và gánh cua từng nổi tiếng rầm rộ một thời

Sau ca mổ bướu cổ cách đây gần 1 năm, dì Ba gặp khó khăn trong việc trò chuyện, nói không ra tiếng, chậm rãi nhưng vẫn thoải mái khi kể về công việc quen thuộc.

Hằng ngày, từ khoảng 10h sáng, dì Ba được một người cháu chở từ nhà ra chỗ hẻm 565 đường Nguyễn Trãi để bán cua. Hôm nào bán đắt hàng, khoảng 12h - 13h chiều là dọn hàng ra về, còn nếu không sẽ ngồi đợi bán thêm đến khoảng 16h.

Dì Ba cho biết nếu cua bán trong ngày không hết sẽ đem trả lại về vựa để người ta tách lấy thịt cua, sử dụng trong chế biến món ăn. Dì Ba không bán cua để qua ngày vì không có lời, chất lượng sản phẩm cũng không đảm bảo.

“Thường ngày nếu bán không hết, còn vài còn thì đem trả lại vựa, như thế thì mình hết lời vì lúc mua cua có dây, còn trả lại thì không dây. Một kí lô mua còn sống là 2 con cả dây, đến khi luộc chín là 4 con” - Dì Ba chia sẻ.

Hiện tại, giá cua của dì Ba ở mức từ 900.000 - 1.100.000/kg tuỳ theo thời giá. Cua được bày bán đều do dì Ba và người thân trong nhà sơ chế sạch sẽ. Dì Ba cho biết thời điểm bán đông khách thì có nhiều người phụ nhưng hiện tại ít khách hơn thì đa phần dì tự làm. Cua của dì Ba là cua Cà Mau chính gốc, đưa lựa chọn kỹ càng.

Anh Thành (Quận 5) ghé mua cua của dì Ba chia sẻ: "Về cua của dì Ba thì từ khi nổi tiếng đến nay nhiều người biết, thỉnh thoảng mình cũng đến mua, vừa ủng hộ dì vừa là để phục vụ mục đích ăn uống của bản thân. Thấy cua ở đây ngon, đảm bảo, giá thành cũng xứng đáng với chất lượng".

Gánh cua của dì Ba nay bán từ từ, không quá tấp nập, chen lấn người mua như trước

Nhớ lại khoảng thời gian nổi tiếng đình đám, khách đến đông đúc chờ mua cua, dì Ba bày tỏ: “Bữa đó đông, bán cũng được, giờ hết rồi. Giờ bán cũng không được bao nhiêu”.

Hiện tại thỉnh thoảng vẫn có người đến quay video, còn những người ngày xưa thỉnh thoảng đến hỏi thăm, quay hình và mua hết mâm cua cho dì Ba.

Không có con cháu nên bán hàng để tự lo cho bản thân, còn dư thì dành làm từ thiện

Di chứng sau ca mổ bướu cổ khiến dì Ba gặp khó khăn trong việc nói chuyện, tiếng được tiếng mất. Năm nay 73 tuổi, việc ngồi bán hàng ngoài đường cũng khiến dì Ba đôi lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng dì chia sẻ vẫn phải bán vì để có tiền lo cho bản thân, thuốc men lúc đau ốm và nếu dư thì đi làm từ thiện.

“Phải bán chứ không bán làm sao được. Để khi bệnh hoạn còn có tiền lo, đỡ đần tiền thuốc men, cơm nước. Năm nay 73 tuổi rồi, không có con, chỉ có đứa cháu kêu bằng cô bán phụ. Nhiều ngày bán xong buổi tối về cơm bữa nấu bữa không vì chỉ có một mình” - dì Ba chia sẻ.

Một thân một mình, tuổi đã cao, dì Ba vừa bán hàng và vừa làm việc thiện. Gánh hàng cua của dì Ba sẽ nghỉ bán vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch để dì tập trung vào làm thiện nguyện. Khi thì nấu đồ chay cho người có hoàn cảnh khó khăn, khi vào viện dưỡng lão làm từ thiện.

“Bán thế này có tiền thì mua đồ ăn, thuốc men, mà dư nữa thì làm từ thiện. Mua đồ nấu đồ ăn chay cho người ta. Thỉnh thoảng vào viện dưỡng lão làm từ thiện cho các cụ già. Vậy đó. Chứ giờ không chồng, không con, không có ai hết, chỉ có em út thôi à, nên cho được ai thì cho” - dì Ba bộc bạch tâm sự.

Nhiều khách hàng quen thường xuyên đến mua cua của dì Ba 

Gánh cua này đã theo dì Ba hơn 30 năm. Lúc trước gánh đi bán dạo, sau này mới về ngồi ở góc đường trong hẻm 565 Nguyễn Trãi. Theo năm tháng, gánh cua của dì Ba có nhiều khách quen thường xuyên ghé đến. Cùng với sự phát triển của thời đại, dì Ba in tấm thiệp với đầy đủ thông tin để ai muốn mua cua có thể liên hệ giao hàng.

Chị Uyên, người phụ bán hàng hoa quả bên cạnh thỉnh thoảng sang hỗ trợ dì Ba bán cua khi thấy dì gặp khó khăn trong việc nói chuyện với khách hàng. Mỗi khi có khách, chị lại chuẩn bị túi, bỏ thêm chanh, gia vị và tính tiền giúp cho dì Ba.

Theo chia sẻ của chị Uyên, thường vào cuối tuần khách sẽ đông hơn các ngày trong tuần. Khách đa phần là gia đình, các bạn trẻ thích ăn cua chất lượng, cũng có những người khá giả, đi xe hơi đến mua nhiều cua một lần.

“Đợt gánh hàng cua nổi tiếng thì mình chỉ phụ bán trái cây thôi, lúc đó có cháu của bà phụ rồi. Sau này thấy bà bị bệnh nên mình phụ thêm. Sau dịch cũng bị ảnh hưởng nhiều, nhưng mấy tháng trở lại đây bán được lại. Phụ bán thế có bữa bà cũng cho vài chục vậy đó. Lúc trước kia thấy bà bán được quá cũng có người mở ra bán nhưng bán không được đành dẹp” - chị Uyên chia sẻ.

Chị Uyên (áo hoa bên trái) phụ bán giúp dì Ba khi có khách đến mua cua

Gánh hàng cua của dì Ba cứ thế tồn tại giữa lòng Sài Gòn tấp nập hàng chục năm qua. Không cửa hiệu hoành tráng, không nhiều người phụ giúp, không quảng cáo rầm rộ nhưng nhiều người thích ăn cua đều nghĩ về gánh hàng của dì Ba. Dì Ba chia sẻ niềm vui mỗi ngày đơn giản là bán được hết cua, đắt hàng, hôm nào bán chậm và còn thừa thì hơi buồn một chút.

THÀNH GIANG