Mọi người đều có khả năng tích mỡ dưới da, đặc biệt là những vùng như bụng. Quá trình tích lũy mỡ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: di truyền, thức ăn, vận động và thói quen sống.
Có 4 loại mỡ cơ bản, bao gồm: mỡ mềm, mỡ dạng sợi, mỡ cứng và mỡ nội tạng. Trong đó mỡ ở dưới bụng chủ yếu là mỡ nội tạng. Loại mỡ nội tạng này rất dễ xuất hiện, do ăn nhiều thực phẩm giàu calo, lười vận động và do lối sống thiếu lành mạnh, ví dụ như ngủ ít, nằm ngủ ngay sau khi ăn,…
Mỡ thừa không chỉ làm chị em tự ti về thân hình, không diện được những bộ đồ tôn dáng yêu thích mà còn có thể gây béo phì, tăng huyết áp, mỡ trong máu,... Do việc thực hiện các biện pháp giảm mỡ như tập thể dục, dùng đai đeo bụng, ăn kiêng... không đem lại hiệu quả nên nhiều người đã tìm đến kem tan mỡ bụng.
Kem tan mỡ bụng là sản phẩm được quảng cáo là có tác dụng giảm mỡ vùng bụng nhanh chóng. Người sử dụng chỉ cần bôi kem tan mỡ bụng vào khu vực ngoài da như xung quanh bụng, hông và đùi, sau đó tiến hành massage rồi sửa sạch là đã có thể giúp giảm mỡ hiệu quả.
Kem tan mỡ bụng cũng được cho là có tác dụng thẩm thấu bằng cách đi vào máu qua da. Khi kem tan mỡ bụng đi vào máu, các thành phần hoạt tính sinh học sẽ làm giảm kích thước tế bào mỡ bằng cách tạm thời làm chúng bị mất nước. Sau đó, cơ thể sẽ sử dụng chất béo làm nhiên liệu.
Ngoài ra, kem tan mỡ bụng cũng được cho là làm tăng lưu lượng máu thông qua cơ chế gọi là giãn mạch. Có nghĩa là mạch máu giãn ra nhiều hơn. Điều này sẽ cho phép cung cấp nhiều oxy, chất dinh dưỡng và đốt cháy chất béo. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được khoa học chứng minh. Mặc dù một số thành phần hạn chế có trong kem tan mỡ bụng đã được chứng minh là đem lại lợi ích nhưng thực sự vẫn chưa được kiểm tra an toàn đầy đủ.
Trên thực tế, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, kem tan mỡ bụng không giúp kiểm soát cơn thèm ăn và khắc phục các vấn đề tăng cân từ nguyên nhân gốc rễ. Để đạt được kết quả lâu dài bắt buộc cần tìm kiếm lối sống khoa học để giảm cân bền vững.
Đã có nhiều trường hợp các chị em sau khi dùng kem tan mỡ phải đi khám bác sĩ do trong kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh (như ớt, gừng lại bôi trên diện rộng) trên vùng da bụng gây các phản ứng ngoài da: Nóng rát, ửng đỏ tại chỗ, nặng hơn là phồng, rộp da, chảy nước và sau đó là nổi mụn. Đã có nhiều trường hợp bị dị ứng, viêm da do kem tan mỡ, phải điều trị dài ngày mới khỏi.
Trong khi đó, hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều sản phẩm kem tan mỡ bụng, hông, đùi với những lời quảng cáo “có cánh” nhưng chất lượng thật sự thì không ai kiểm chứng. Do đó, cần tỉnh táo để lựa chọn sản phẩm một cách thông minh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình. Bởi thực tế, việc giảm cân, giảm mỡ bụng không phải điều dễ dàng, nó đòi hỏi phải có chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Vì thế, hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi dùng những loại kem tan mỡ bụng theo như quảng cáo.
Theo Vietq.vn