Kiên Giang: Dấu hiệu mua máy CT Scanner giá cao, Giám đốc sở Y tế nói “tôi chỉ là người ký”

Máy CT Scanner có cùng Model: TSX-037A (Aquilion Start), cùng xuất xứ (Canon - Nhật), thế nhưng Giám đốc sở Y tế Kiên Giang lại ký phê duyệt gói thầu mua sắm với giá cao hơn bệnh viện quận Bình Tân TP.HCM tận 3,1 tỷ đồng. Khi PV hỏi về dấu hiệu đội giá, vị Giám đốc này nói: “Quy trình mua sắm là do ban Quản lý dự án thuê tư vấn, làm toàn bộ. Tất cả có bộ phận bên dưới làm. Tôi chỉ là người phê duyệt”.

Theo thông tin được công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia, ngày 20/1/2022, Giám đốc sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hà Văn Phúc đã ký Quyết định số 40/QĐ-SYT phê duyệt cho công ty TNHH Thương Mại Thiết Bị Y khoa Nguyễn Tùng (Mã số thuế  0301984910; Địa chỉ trụ sở: 56/46 Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM) trúng “Gói thầu số 13: Mua sắm TB2 (Máy CT Scanner, Máy đo loãng xương, Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim) thuộc dự án Cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị trung tâm Y tế TP.Phú Quốc” trị giá 14.826.000.000 đồng (Mười bốn tỷ, tám trăm hai mươi sáu triệu đồng). Giá dự toán là 15.000.000.000 đồng, ngân sách tiết kiệm được sau đấu thầu là 174.000.000 đồng, đạt tỉ lệ 1,16%.

hieuunganhcom6214921c016dc

Quyết định số 40/QĐ-SYT.

Gói thầu này do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phú Quốc ( ông Võ Hoài Khoa làm Giám đốc) mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Còn báo cáo đánh giá E-HSĐXTC; đề nghị thương thảo, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do Công ty CP tư vấn đầu tư TSG chịu trách nhiệm. Hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, tuy nhiên lại chỉ có 1 nhà thầu tham dự thầu và trúng thầu.

Theo danh sách hàng hóa được mua sắm tại gói thầu thì Máy CT Scanner Model: TSX-037A (Aquilion Start), hãng sản xuất Canon và xuất xứ Nhật Bản có giá dự thầu là 10.380.000.000 đồng.

hieuunganhcom62149236373031

Hàng hóa số 1 được khoanh ô là máy CT Scanner mà sở Y tế Kiên Giang đã mua sắm. (Ảnh cắt từ thông tin trên trang đấu thầu Quốc gia).

Điều đáng nói, cũng mua máy CT Scanner, Model: TSX-037A (Aquilion Start) của hãng Canon, Nhật, bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM) lại chỉ mua với giá là  7.198.000.000 đồng tại gói thầu Mua sắm hệ thống CT Scanner 16 dãy 32 lát. Gói thầu này do Giám đốc Võ Tuấn Trường ký phê duyệt cho công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Thy, giá dự toán là 7.496.000.000 đồng, tiết kiệm 298.000.000 đồng, đạt tỉ lệ 3,97%.

hieuunganhcom62149255e3cce

Hệ thống CT Scanner – cũng là hàng hóa duy nhất được mua tại gói thầu của bệnh viện quận Bình Tân. (Ảnh cắt từ thông tin trên trang đấu thầu Quốc gia).

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì giá thiết bị y tế cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo, vận chuyển, truyền thông... Tuy nhiên, việc mua sắm cùng thiết bị với xuất xứ, hãng sản xuất, model nhưng giá lại khác nhau lại dấy lên lo ngại việc thất thoát tài sản Nhà nước.

Chiều 21/2, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Hà Văn Phúc – Giám đốc sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phú Quốc làm toàn bộ quá trình đấu thầu”. Khi PV đề cập đến việc, là người đặt bút ký phê duyệt gói thầu này, ông có ý kiến thế nào về thông tin gói thầu mua sắm thiết bị với giá cao hơn các đơn vị khác, ông Phúc nói: “Về vấn đề đấu thầu, toàn bộ là do ban Quản lý (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phú Quốc – PV), tôi chỉ là người phê duyệt. Quy trình mua sắm như thế nào là ban Quản lý dự án thuê tư vấn, làm toàn bộ. Tất cả có bộ phận bên dưới làm”.

Một trong những điểm mới đặc biệt được chú ý quy định tại Nghị định 98/2021 của Chính phủ quy định về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ 01/1/2022 là việc quản lý giá. Nghị định này đã đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải quản lý giá theo quy định của luật Giá. Mục 2, chương VI từ Điều 43 đến Điều 45 quy định chi tiết về việc các chủ sở hữu có trang thiết bị y tế phải kê khai giá và công khai giá, trong kê khai giá sẽ bao gồm các cấu phần như lợi nhuận dự kiến, giá bán dự kiến, giá vốn nhập khẩu đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu, hoặc chi phí sản xuất đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; giá bán tối đa tương ứng với từng cấu hình, tính năng kỹ thuật theo đơn vị tính; giá linh kiện, phụ kiện (nếu có); chi phí bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì, đào tạo...