Cách làm lẩu gà dấm bỗng với phần nước dùng chua nhẹ quyện cùng chút cay nồng của cơm rượu và gừng làm xiêu lòng không biết bao nhiêu người thưởng thức qua. Bài hướng dẫn của Disney Cooking.
Trong món lẩu gà dấm bỗng có chứa nhiều dưỡng chất như các vitamin, axit amin và các axit hữu cơ. Vì thế, sử dụng món ăn này có tác dụng giúp tăng cường chức năng của thận, gan, thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Đặc biệt, cách làm lẩu gà dấm bỗng tương đối đơn giản, dễ thực hiện, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ thành phần nguyên liệu và làm theo 4 công đoạn chi tiết dưới đây.
Cách làm lẩu gà dấm bỗng (cơm rượu) cực ngon
Thành phần
- 1kg thịt gà ta
- 100ml dấm bỗng
- 2 củ hành khô
- 1 nắm ngò gai
- 1 nắm hành lá
- 300g rau muống
- 200g cơm rượu
- 1kg bún tươi
- 1 củ gừng (đã gọt vỏ, đập dập)
- Một số loại gia vị cần thiết khác: Muối, tiêu xay, dầu ăn, ớt, …
Cách nấu lẩu gà dấm bỗng ngon
Bước 1: Sơ chế thịt gà
Đầu tiên, bạn nhổ sạch lông gà còn sót, chà xát muối lên bề mặt thân gà rồi rửa lại với nước sạch. Cách nấu lẩu gà dấm bỗng đảm bảo không có mùi tanh, bạn đập nát củ gừng, chà xát lên thân gà rồi rửa lại với nước một lần nữa.
Tiếp đó, bạn để gà ráo nước hoặc dùng giấy thấm khô, chặt thịt gà thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Bạn cho thịt gà vào trong âu lớn, cho thêm một ít muối, tiêu xay, gừng đập dập, trộn đều. Sau đó, bạn dùng màng thực phẩm bọc kín, cho vào trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng.
Bước 2: Sơ chế các loại nguyên liệu còn lại
Kế đến, bạn nhặt bỏ bớt lá rau muống, rửa sạch với nước muối pha loãng. Bạn cắt rau muống thành khúc ngắn dài khoảng 3cm, để trên rổ cho ráo nước.
Tiếp theo, bạn bóc vỏ hành tím, thái lát mỏng. Với hành lá, rau ngò, bạn cũng nhặt sạch, rửa với nước muối pha loãng rồi thái nhuyễn.
Bước 3: Nấu lẩu gà dấm bỗng
Sau đó, bạn bắc nồi lên bếp, cho thêm 2 thìa dầu ăn. Khi dầu nóng, bạn cho hành tím vào phi thơm rồi đổ thịt gà vào xào khoảng 5 phút để thịt săn lại.
Tiếp theo, bạn đổ dấm bỗng, cơm rượu vào trong nồi, nấu khoảng 10 phút thì đổ thêm nước lọc đầy nồi. Khi nồi lẩu gà dấm bỗng bắt đầu sôi, bạn hạ nhỏ lửa để nước dùng được trong, không đục màu.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
Kiểm tra thịt gà chín mềm, bạn nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi cho hành lá, ngò gai thái nhuyễn vào để tăng thêm hương vị cho món lẩu gà dấm bỗng.
Bạn bày nồi lẩu gà lên bếp ga mini đặt giữa bàn cùng đĩa rau muống, đĩa bún tươi và thưởng thức ngay khi còn nóng.
Một số lưu ý khi thực hiện cách làm lẩu gà dấm bỗng
- Để tăng thêm hương vị cho món ăn, bạn nên chuẩn bị thêm bát nước mắm mặn có thêm vài lát ớt thái nhỏ.
- Khi nấu nước dùng lẩu, bạn nên dùng vá vớt sạch lớp bọt nổi trên bề mặt để nước dùng trong và đẹp mắt hơn.
- Khi lựa chọn nguyên liệu, bạn nên chọn gà ta. Vì loại gà này chắc thịt sẽ giúp món lẩu đạt hương vị hấp dẫn hơn.
- Với dấm, bạn nên chọn loại dấm được làm từ nếp cái hoa vàng. Bởi loại dấm này có vị chua dịu nhẹ, không gắt.
- Còn cơm rượu, bạn cũng nên chọn loại nếp ủ men vừa đủ, vừa chín tới, không bị nát, bị mốc.
- Bạn có thể chuẩn bị thêm một số loại rau ăn kèm tùy theo ý thích của bản thân
Tìm hiểu thêm về dấm bỗng là gì?
Dấm bỗng, giấm bỗng hay bỗng rượu được xem là loại gia vị “dân tộc” phổ biến và rất được yêu thích của người miền Bắc. Dấm bỗng là sản phẩm phụ của hèm rượu để lên men cách tự nhiên.
Cách làm dấm bỗng từ bã rượu như sau: nếp nấu thành xôi, cho men với lượng vừa đủ vào ủ, cho thêm nước, rồi chưng cất thành rượu trắng. Phần xác cơm rượu còn gọi là hèm. Người ta dùng hèm nấu đi nấu lại nhiều lần cho ra rượu.
Sau đó, lược vắt lại một ít, cất vào chai, để tự nhiên qua một hai ngày thì hèm sẽ trở nên chua và được sử dụng như một loại giấm bổng bình thuờng. Nếu để nhiều ngày, dấm bỗng sẽ rất chua và không thể sử dụng được. Ngày nay bạn có thể mua dấm bỗng ngon ở chợ, siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi với giá 10.000 VND cho chai 500ml.
Dấm bỗng có vị chua do quá trình lên men, còn có hương rượu và ít độ cồn nên rất dễ đánh át mùi tanh của vài loại thịt cá. Tác dụng của dấm bỗng thì thường dùng để nấu cho một số món như vịt, ngan um dấm bỗng và đặc biệt, có một món ăn gắn bó với giấm bổng như hình với bóng đó là bún ốc dấm bỗng.
Cách phân biệt dấm bỗng với cơm mẻ
Nếu như đối với người Bắc, dấm bỗng là loại gia vị được yêu thích, thì đối với người Nam cơm mẻ cũng rất được ưa chuộng. Cơm mẻ hay được gọi là mẻ có thành phần gồm con mẻ, nấm men, vi khuẩn lên men acid lactic.
Con mẻ là một loại tuyến trùng hữu ích mang tên Nematode, có kích thước rất nhỏ nhưng có thể nhìn thấy bằng mặt thường. Thức ăn của con mẻ là nấm men, chúng có hàm lượng protein rất cao, có vai trò hỗ trợ dinh dưỡng.
Cơm mẻ có màu trắng đục và có vị chua nhưng hoàn toàn không phải là dấm bỗng. Cơm mẻ được lấy ra khỏi hũ đựng, tán mịn với chút muối ăn, sau đó khuấy với ít nước và lọc qua rây bỏ xác để lấy được thành phẩm dạng nước sánh đặc, trắng đục, chua thơm.
Cơm mẻ được sử dụng trong vô số các món ăn của ẩm thực Việt Nam trải khắp ba miền, đặc biệt là ở miền Nam như: canh chua, các món om, lẩu, chả nướng, … Có rất nhiều cách để tạo ra cơm mẻ và nuôi mẻ làm gia vị lâu dài, nếu như biết cách chăm sóc, giữ gìn vệ sinh thật tốt con mẻ.
Cách đơn giản nhất là bạn nên xin một ít cơm mẻ cho vào đáy keo, rồi dầm cơm để nguội phủ lên phía trên sau đó đậy nắp lại, nhưng không được đậy chặt kín tuyệt đối. Quan sát, khi thấy cơm có màu trắng đục như sữa và mùi chua dịu nhẹ, tức mẻ đã ngấu, bạn có thể đem ra sử dụng.
Theo Phụ nữ Mới