Một bắp ngô vào bữa sáng tốt hơn cả ăn cơm, nhưng những người này không nên ăn sáng bằng ngô

CTV
Ăn ngô buổi sáng là thói quen của nhiều người, thậm chí nó còn tốt hơn cả cơm trắng, tuy nhiên nhiều người lại không nên sử dụng thường xuyên vì có thể gây hại cho sức khỏe.

Ngô là loại thực phẩm quá quen mặt ở Việt Nam, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn và tốt cho sức khỏe. Trong đó, việc sử dụng ngô như một món ăn sáng là thói quen của nhiều người. Theo một số chuyên gia, dùng ngô ăn sáng không phải là một lựa chọn tồi vì thực phẩm này được xếp vào nhóm ngũ cốc, cung cấp lượng calo khá lớn cho cơ thể.

TS.BS Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, nếu so sánh riêng biệt ngô và cơm trắng, thì ngô có một số chỉ số dinh dưỡng khá vượt trội. Ngoài cung cấp lượng glucid (carbohydrate), ngô còn có nhiều chất dinh dưỡng khác tốt cho cơ thể, trong đó đáng kể nhất là hàm lượng magie, phốt pho hay kali…

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế), trong 100g ngô (phần ăn được), có 196kcal, 4,1g protein, 2,3g lipit, 39,6g glucid, 4mg canxi, 39mg magie, 170mg photpho, 306mg kali, 12mg vitaminC và các loại vitamin và khoáng chất khác. Trong khi đó, một bát cơm 100g (được nấu từ gạo trắng), có khoảng 130kcal, 28,2g glucid, 2,7g chất đạm, 35mg kali, 10mg canxi…

Ngô có nhiều dinh dưỡng và năng lượng.Ảnh minh họa. 

Như vậy, nếu bữa sáng dùng 2 bắp ngô, với khoảng 200g thì năng lượng nạp vào không kém gì một bữa cơm bình thường, với gần 400kcal. Đó là lý do, ăn ngô buổi sáng có cảm giác no lâu hơn là ăn bánh mỳ, bún, phở...

Bác sĩ Từ Ngữ cho biết, dù ngô cung cấp năng lượng đáng kể cho cơ thể, chỉ nên ăn để đổi bữa, không nên dùng thường xuyên. “Ngô dù cung cấp nhiều glucid, nhưng hàm lượng chất béo, chất đạm khá nghèo nàn. Do vậy, nếu ăn thường xuyên cơ thể có thể có nguy cơ thừa chất nọ, thiếu chất kia”, bác sĩ Ngữ khuyến cáo.

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết, ngô tốt cho sức khỏe nên nhiều người khuyên nên ăn càng nhiều càng tốt, nhất là vào buổi sáng. Điều này không hợp lý. Chỉ nên ăn ngô để đổi bữa bởi bản chất ngô là lương thực (ngũ cốc) chứ không phải một loại rau, vì thế ăn nhiều có thể gây những hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

Không thể phủ nhận, ngô ăn vào buổi sáng là tốt, vì khi đó dịch vị axít trong dạ dày khá cao, mà trong ngô có lượng cellulose lớn, có tác dụng kích hoạt đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, hàm lượng carbohydrate có trong ngô khá nhiều, nên ăn ngô sẽ cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động cơ thể”, ông Sáng chia sẻ.

Dù có những tác dụng tốt với sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, một số người không nên ăn ngô vào buổi sáng:

- Với người bình thường: Không nên ăn ngô thường xuyên, liên tục trong thời gian dài, vì như vậy cơ thể sẽ bị thiếu chất, nhất là các chất đạm, béo… Bởi khi dùng ngô thường ăn riêng biệt, ít khi kèm với đồ ăn khác như khi ăn cơm.

Người có hệ tiêu hóa kém hoặc bị đau dạ dày có thể nấu súp ngô để ăn trong bữa sáng. Ảnh minh họa. 

- Người tiêu hóa kém: Ngô là loại ngũ cốc loại hạt thô, khi ăn có thể gây áp lực cho hệ tiêu hóa, nhất là với người không nhai kỹ. Thậm chí, ăn ngô không nhai kỹ còn gây hại cho dạ dày, nhất là với ai có tiền sử viêm loét dạ dày.

- Người làm việc nặng: Ngô dùng ăn sáng chỉ phù hợp với những người làm việc nhẹ, dân văn phòng, ít hoạt động. Với những người lao động tay chân, cần nhiều calo, ăn ngô sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng để hoạt động. Với những người lao động nặng nhọc, ngoài nhóm ngũ cốc, cần bổ sung năng lượng từ thực phẩm giàu đạm, chất béo.

- Người cao tuổi: Ở người cao tuổi, khả năng tiêu hóa kém nên ăn ngô có thể dẫn tới tình trạng khó tiêu. Đặc biệt, lượng chất xơ trong ngô cũng có khá nhiều, dễ tăng gánh nặng cho đường ruột, gây táo bón.

- Bệnh nhân tiểu đường: Ngô có chứa lượng carbohydrate cao, nếu ăn nhiều có thể làm tăng lượng đường trong máu. Vì thế, lương y Bùi Đắc Sáng lưu ý, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn ngô hoặc chỉ ăn với số lượng hạn chế.