Nghệ sĩ Việt lên án lối sống ảo và cùng nhau kể những câu chuyện thật

Hương Giang, Mâu Thủy, Diễm My 9x, Chi Pu và nhiều nghệ sĩ Việt đã cùng nhau gây quỹ xây cầu cho trẻ em nghèo vùng sông nước trong chương trình "Kiến tạo nhịp cầu".

[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2018/06/19/HH Hương Giang, Mâu Thủy và Diễm My bàn về tin đồn - Kiến Tạo Nhịp Cầu 2018.mp4[/presscloud]

Với thông điệp “Hãy lắng nghe những câu chuyện thật”, các nghệ sĩ Việt đã cùng nhau “vạch trần” những giá trị ảo đang làm cuộc sống chao đảo. Chi Pu, Diễm My 9x, Mâu Thủy, Sam, Jun và ST đã đề cập đến tình trạng đam mê lượt xem, lượt like ảo trên các trang mạng xã hội. Không những thế, họ còn cùng nhau phản ánh về nạn tin giả và bày tỏ mong muốn được sống thật trong cuộc sống bộn bề ngày nay.

Từ đó, hai hoa hậu H’Hen Niê và Hương Giang đã gợi mở những mảnh đời và vùng quê bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đuối nước đang bị lãng quên. Mỗi câu chuyện thật ấy sẽ được kể lại qua từng tập phát sóng của chương trình Kiến tạo nhịp cầu.


Lần đầu tiên hai hoa hậu H’Hen Niê và Hương Giang bắt tay nhau trong cùng một dự án thiện nguyện.

Với vai trò đại sứ, Trấn Thành sẽ sống cùng bà con miền sông nước và trải qua những khó khăn khi vượt sông sâu trên cầu tạm, cầu khỉ. Nam danh hài cho biết bản thân rất xót xa khi biết được hoàn cảnh của chú Sáu “ve chai” tại tỉnh Vĩnh Long. Hằng ngày, chú phải đi qua sông bằng ghe với một chuyến đi qua là 2.000 đồng. Để tiết kiệm, chú đã nhiều lần bơi qua sông để đến bên bờ bên kia và nhiều lần suýt mất mạng theo dòng nước cuốn.

Cùng với các nghệ sĩ, những bạn trẻ giàu lòng thiện nguyện sẽ trải nghiệm những khốn cùng của thôn nghèo mà người thành thị khó có thể hình dung. Từ đó, các đại sứ sẽ cùng nhau kêu gọi, gây quỹ và tạo nên những nhịp cầu an toàn, vững chắc để giúp bà con có một cuộc sống bớt âu lo.

 

Ở tập đầu tiên, hành trình Kiến tạo nhịp cầu mùa 4 sẽ đặt viên gạch đầu tiên tại xã Cái Bè, huyện tỉnh Tiền Giang. Tại đây, 3 điểm trường học - nơi các em hàng ngày đến trường để kiếm từng con chữ đều nằm ở ấp Mỹ Thị A. Trong khi đó, một phần ba dân số của địa phương gồm rất nhiều trẻ nhỏ lại bị cô lập tại 2 ấp còn lại vì chẳng có cầu để lưu thông. Hằng ngày, họ phải trông chờ vào từng chuyến đò ngang được đóng bằng ván gỗ, thân cây và động cơ cũ. Không còn đường khác, hơn 120 em nhỏ chỉ biết trông chờ vào chiếc đò để được đến lớp.

Bên cạnh đó, trở về mái ấm sau những lúc bôn ba dường như vẫn là giấc mơ xa vời khi trời sẩm tối là đò dừng hoạt động. Thậm chí, nhiều số phận đã mãi mãi nằm dưới lòng sông khi nước lũ ồ ạt kéo đến.

Kiến tạo nhịp cầu sẽ đem đến những nhịp cầu vui cho bà con xa gần vào 11 giờ, Chủ Nhật hàng tuần trên HTV7.

Hoài Thu