Ngược xu hướng thế giới, giá cà phê Việt Nam dự báo tăng

So với đầu năm, giá cà phê hiện tại đã tăng khoảng 40%, và dự báo giá cà phê có thể lên 70.000 đồng/kg trong thời gian tới.

Giá cà phê có thể lên 70.000 đồng/kg

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê ngày 5/6 được thu mua với mức 60.700 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê 5/6 ở mức 61.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê  được thu mua cùng mức 61.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê 5/6 thu mua ở mức 61.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 61.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê 5/6 ở mức 61.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 60.900 đồng/kg.

Còn giá cà ngày 5/6 tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 61.000 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua.

Theo ước tính, sản lượng cà phê trong nước vụ 2022 - 2023 chỉ đạt 1,5 triệu tấn, hiện nay đã xuất khẩu hơn 80%. Do đó lượng tồn kho trong dân không còn nhiều. Lượng cà phê Việt Nam thiếu hụt so với nhu cầu xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 300.000 tấn.

Thị trường trong nước liên tục tăng từ đầu năm, bất chấp có lúc giá cà phê Robusta trên sàn London giảm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nguồn cung khan hiếm.

So đầu năm, giá cà phê hiện tại đã tăng khoảng 40%. Ðây là con số mơ ước của những người trồng, kinh doanh cà phê. Nhu cầu hạt cà phê Robusta tăng cao bởi người tiêu dùng trên thế giới đang phải "thắt lưng buộc bụng" do ảnh hưởng lạm phát và suy thoái kinh tế.

Việc uống cà phê mỗi ngày là thói quen khó bỏ nhưng hạt Arabica lại quá đắt đỏ. Do đó, nhiều khách hàng tìm đến hạt Robusta với giá rẻ hơn để phối trộn với hạt Arabica nhằm giảm chi phí. Đây là yếu tố thuận lợi cho Robusta tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá cà phê được dự báo có thể tăng lên tới 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đành đứng ngoài, dành sân chơi cho các ông lớn có thể mạnh về vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) Thái Như Hiệp thông tin tới báo chí: "Doanh nghiệp FDI và các quỹ bắt đầu gom hàng từ cuối năm ngoái do đó lượng hàng trong người dân cạn rất nhanh. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng biết điều đó nhưng bị siết tín dụng nên không đủ tiền mua cà phê.

Thông thường, chúng tôi bắt đầu mua lượng hàng rất lớn từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau để bán rải rác trong nhiên vụ. Tuy nhiên, năm nay hàng trong các hộ dân hết rất sớm. Bây giờ giá đã đẩy lên 64.000 và tôi nghĩ giá có thể đẩy lên 70.000 đồng/kg".

Kinh tế vĩ mô - Ngược xu hướng thế giới, giá cà phê Việt Nam dự báo tăng

Giá cà phê dự báo tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Thị trường cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2023 giảm 30 USD/tấn ở mức 2.575 USD/tấn, giao tháng 9/2023 giảm 25 USD/tấn ở mức 2.542 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 giảm 2,75 cent/lb, ở mức 180,3 cent/lb, giao tháng 9/2023 giảm 2,55 cent/lb, ở mức 177,7 cent/lb.

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam

Theo Báo cáo của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.

Đắk Lắk và Lâm Đồng có diện tích trồng cà phê lớn nhất và cho sản lượng lớn nhất và Lâm Đồng là tỉnh sản xuất cà phê cho năng suất cao nhất là 33,1 tạ/ha, cao hơn 17,1% so với tổng trung bình năng suất của 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng như cả nước.

Khẳng định Việt Nam vẫn giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê và vị trí số một về xuất khẩu cà phê robusta, Vicofa cho biết trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới.

Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Việc sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng năng suất của cây cà phê mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững. Đây rõ ràng là thách thức lớn.

Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và bền vững

Hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu cà phê tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường nhập khẩu lớn như: Đức, Italia, Hoa kỳ, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Philippines, Nga, Trung Quốc, Anh....

Bên cạnh đó, những năm gần đây, cà phê đặc sản Robusta của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các hội chợ cà phê quốc tế ở Mỹ, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và bắt đầu có lô hàng xuất khẩu số lượng lớn. Cà phê Robusta đặc sản Việt Nam lần đầu tiên được sử dụng trong các cuộc thi pha chế danh tiếng tại Australia và Mỹ…

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng ngành cà phê Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu sản xuất cà phê bền vững, trong đó nổi bật là vấn đề chất lượng như quản lý sử dụng đầu vào trong canh tác, mở rộng diện tích cà phê có chứng nhận, chế biến cà phê, xuất khẩu....

Trong thương mại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, cà phê Việt Nam được trộn lẫn với cà phê từ các nước khác để chế biến nhiều sản phẩm cà phê khác nhau nên người tiêu dùng không biết đến cà phê Việt Nam. Giá xuất khẩu cà- phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị…

Vừa qua, trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đức cho rằng: Để phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các chương trình cho các tỉnh về tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm cải tạo vườn cà phê đã già cỗi góp phần nâng cao năng suất chất lượng cà phê.

Bên cạnh đó, Bộ cần xây dựng chương trình, dự án khảo nghiệm để lựa chọn ra các giống cà phê mới phù hợp với yêu cầu sinh thái và vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu phục vụ cho tái canh diện tích cà phê già cỗi và trồng mới để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Bộ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất; kiểm soát điều kiện đất đai, nguồn nước và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Hỗ trợ công nghệ cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến sâu, bảo quản bảo đảm chất lượng cà phê đặc sản có hương vị đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước…

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 262,54 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ nên kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 5 tăng so với tháng 4. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trúc Chi (theo Kinh tế & Đô thị, Kinh Doanh, Nhân Dân)