Nguyên nhân mưa đá xuất hiện liên tục ở các tỉnh miền Bắc

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, do không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống khiến nền nhiệt độ Bắc Bộ cao, tạo điều kiện khối khí xáo trộn, gây nên mưa đối lưu, tạo ra các cơn mưa đá.

Nguyên nhân mưa đá xuất hiện liên tiếp ở miền Bắc

Những ngày vừa qua, khắp các nơi ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt khu vực vùng núi liên tục xảy ra tình trạng mưa đá và giông lốc, kèm gió giật mạnh, gây nên thiệt hại nhà cửa, hoa màu và các công trình dân sinh...

Lý giải về nguyên nhân gây nên tình trạng mưa đá liên tiếp trong nhiều ngày ở các tỉnh miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trường phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có những chia sẻ cụ thể. 

Theo ông Hưởng, hiện nay khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung đang trải qua thời kỳ giao mùa, từ mùa Xuân sang mùa Hè. Tình trạng giông lốc, mưa đá sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 và cao điểm nhất vào tháng 4. 

nguyen-nhan-gay-nen-tinh-trang-mua-da2-1711774817.jpg
Tình trạng mưa đá bất thường ở Mù Cang Chải ngày 28/3/2024. Ảnh: Dân Trí

Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này, theo ông Hưởng là do không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống, khiến nền nhiệt ở Bắc Bộ cao, tạo điều kiện cho các khối khí xáo trộn mạnh. Từ đó tạo nên những đám mây đối lưu, gây ra những trận mưa giông cùng sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh. 

Trong thời gian tới, đa phần thời tiết cả nước sẽ có sự chuyển pha về thời tiết. Khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển từ thời tiết giá lạnh sang ấm hơn. Khu vực Nam Bộ cũng sẽ chuyển từ thời kỳ khô sang ẩm. Chính vì thế, xác suất xảy ra giông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh cũng sẽ nhiều hơn, tập trung cao điểm vào tháng 4 và tháng 5 tới. 

Theo ông Vũ Anh Tuấn -Phó phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, việc cảnh báo mưa giông và mưa đá khá khó vì phải xác định được khu vực hội tụ gió cũng như xáo động lớn trong không khí. 

Thậm chí ngay cả khi xác định được khu vực có xáo động lớn thì cũng chưa chắc đã xảy ra mưa giông hay mưa đá. Cơ quan khí tượng hiện chỉ dự báo được trước 24h và cảnh báo trước 30 phút đến 3h so với các khu vực cụ thể. 

   Xem thêm: Cách xử lý tốt nhất khi trẻ bị dị ứng thời tiết

Người dân cần làm gì khi gặp mưa đá?

Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa đá, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân cần nhận biết được các dấu hiệu: Các đám mây hình bầu vú đen sẫm kéo đến, gió mạnh, nhiệt độ không khí giảm mạnh. Nếu như đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, người dân cần dừng lại và tìm nơi trú ẩn, đội mũ bảo hiểm để tránh bị đá rơi vào đầu.

nguyen-nhan-gay-nen-tinh-trang-mua-da-1711774817.jpg
Người dân cần nhận biết được các dấu hiệu mưa đá để đề phòng. Ảnh: Vnexpress

Người dân cũng nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà, gia cố mái cũng như những chỗ trọng yếu, nên sử dụng các vật liệu có thể chống chịu được va đập. Mái nhà nên dốc xuống hai bên để giảm lực tác động của mưa đá. 

Trước đó vào các ngày từ 27/3 đến 29/3, khắp các tỉnh thuộc khu vực Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An... đều xuất hiện tình trạng mưa đá diện rộng. Đã có gần 2000 ngôi nhà bị hư hại và hàng nghìn ha hoa màu, cây lâm nghiệp gãy đổ. 

Vào năm 2006, sau hai trận giông lốc và mưa đá kéo dài 3 ngày ở 12 tỉnh thành phía Bắc, đã có 17 người thiệt mạng, 4 người mất tích, con số thiệt hại lên đến hơn 300 tỷ đồng.

   * Theo Vietnamnet, Vnexpress

Hồng Hạnh (t/h)