Nước Mỹ chia "chiến tuyến" khi 44 bang chọn phe trong vụ kiện của Texas

Sau khi 18 bang do đảng Cộng hòa đứng đầu ủng hộ Texas trong vụ kiện tố cáo sai phạm bầu cử ở 4 bang chiến địa, 22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo đã đứng về phía các bị cáo.

RT đưa tin, ngày 10/12, đã có một loạt hoạt động trên cổng 22O155 của Tòa án Tối cao Mỹ, khi Michigan, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin phúc đáp đơn khiếu nại của Texas.

Ohio đã đệ trình một bản báo cáo khó hiểu, không ủng hộ bên nào, một số nhà lập pháp cũng tìm cách tham gia vụ kiện, trước khi các khu vực pháp lý do đảng Dân chủ đứng đầu nộp bản báo cáo amici curiae (người không phải các bên tranh chấp tự nguyện gửi ý kiến của mình hỗ trợ cho tòa án) của riêng họ.

Các bang đỏ đã nộp báo cáo ủng hộ Texas, các bang xanh ủng hộ 4 bang chiến địa bị kiện, các bang vàng là các bang bị cáo.

Ngày 8/12, đơn kiện của Bộ trưởng Tư pháp Texas Ken Paxton đệ trình lập luận rằng Cơ quan mục vụ, Toà án Tối cao 4 tiểu bang trên tự ý đề ra các quy định, thay đổi luật bầu cử... ngay trước khi diễn ra tổng tuyển cử. Đáng ra việc thay đổi này phải do nghị viện các tiểu bang tiến hành. Bên cạnh đó, cùng các quy định sửa đổi về bầu cử, nhưng khi áp dụng lại không thống nhất giữa các địa hạt trên cả tiểu bang.

Các quan chức ở Texas cũng cho rằng "sự xuất hiện của những bất thường về bỏ phiếu" ở 4 bang là vi phạm điều khoản bảo vệ công bằng của hiến pháp. Rất nhiều sai sót xảy ra trong quá trình kiểm, đếm phiếu.

Đơn khiếu kiện của bang Texas yêu cầu Tòa án Tối cao vào cuộc, nghe cáo buộc của nguyên đơn; để nghị viện tiểu bang quyết định danh sách đại cử tri theo Hiến pháp chứ không phải là thống đốc bang theo thông lệ hiện hành.

Tổng thống Donald Trump, người đang tìm cách tự mình tham gia vụ kiện ở Texas, cho rằng các bang tuyên bố ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng là không đúng.

Tòa án Tối cao yêu cầu 4 tiểu bang phúc đáp đơn kiện của Texas trước 15h ngày 10/12 theo giờ Mỹ.

Báo cáo amici curiae của đảng Dân chủ lập luận rằng “tòa án bang và các cơ quan địa phương” nên “diễn giải và thực hiện luật bầu cử bang”, đồng thời cho rằng điều Texas muốn là “thay đổi hệ thống chính quyền của các bang”. Phía đảng Dân chủ cũng lập luận, “trải nghiệm của họ với các phương pháp bỏ phiếu an toàn và bảo mật qua thư” sẽ giải thích lý do tại sao nên bác bỏ vụ kiện.

Cho đến nay, đã có tổng cộng 18 bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã đệ trình các bản báo cáo amici curiae để ủng hộ Texas.

Ngày 10/12, sáu bang trong số này - Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, Nam Carolina và Utah - đã yêu cầu “can thiệp”, tức là tham gia trực tiếp vào vụ kiện.

Đến ngày 10/12, chỉ có 6 tiểu bang ở Mỹ chưa chính thức cân nhắc về việc tham gia vụ kiện của Texas là Alaska, Idaho, Indiana, Kentucky, New Hampshire và Wyoming.

Đông Phong (T/h)