Đối với các địa phương, nguy cơ lây nhiễm thường trực, trong đó hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp), người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Long, hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế.
Công tác phân luồng người nhập cảnh phải được thực hiện ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại. Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhật nhật tình trạng sức khoẻ hàng ngày với cơ quan chức năng.
Về công tác xét nghiệm, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới, đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực an toàn.
Trong phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế của Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. “Chúng ta càng xét nghiệm nhanh thì khoanh vùng càng hiệu quả. Đây là bài học rút ra từ Đà Nẵng”, ông Long cho biết.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong chống dịch COVID-19, việc truy vết các trường hợp F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định, với nguyên tắc truy vết là phải “Thần tốc và triệt để”. Yêu cầu đặt ra là xác định hết các trường hợp F1, không được để sót, lọt, trong thời gian ngắn nhất. Khi truy vết được F1 phải nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, có các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát thì phải tiến hành khoanh vùng, cách ly toàn bộ, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho lan rộng trong cộng đồng và không để lây lan sang các vùng khác, địa phương khác.
Những bài học, kinh nghiệm lớn
Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan, nới lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước. Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác”.
Phó Thủ tướng nêu ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.
Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Quan trọng nhất là lực lượng quân đội, tiếp đó là lực lượng công an đã tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng với lực lượng y tế. Đây là điểm độc đáo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam, tới đây phải tiếp tục phát huy.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí…