Quả mơ đừng chỉ ngâm siro mà có nhiều cách sử dụng khác rất bổ dưỡng nhưng cần tránh xa 2 kiểu ăn gây hại

Quả mơ ngoài ngâm làm siro hay ô mai mơ còn nhiều cách chế biến và sử dụng khác trong cuộc sống hàng ngày rất có lợi cho sức khỏe mà ít người thực hiện. 

Quả mơ có nhiều ở Việt Nam và đến tháng 4 hàng năm bắt đầu vào mùa, có giá khá rẻ. Khi đến mùa mơ, mọi người thường đem ngâm mơ sau đó lấy nước uống giải khát hoặc dùng làm món ăn vặt như ô mai mơ hoặc làm thuốc.

Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết nếu xét về giá trị dinh dưỡng, quả mơ không phải là loại quả cân đối các chất dinh dưỡng khi mà lượng chất béo, chất xơ hay protein rất ít. Loại dưỡng chất trong quả mơ có nhiều nhất là vitamin A, vitamin C và vitamin B15. Đặc biệt, vitamin B15 có tác dụng chống oxy hóa, ngừa nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch… rất tốt. Ông Sáng cho biết một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng trong quả mơ có chứa chất mycobacterium, có tác dụng kháng vi trùng lao là mycobacterium. 

Xét dưới góc độ đông y, quả mơ có vị chua, mát, tác dụng trừ khát, sinh tân dịch, chủ trị ho sát đờm, kiết lỵ, nôn ói. Về cách thức sử dụng, ông Sáng cho biết làm ô mai mơ và ngâm đường thành siro mơ là hai cách được người dân thực hiện nhiều nhất. Theo đó, việc ngâm mơ với đường sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc còn làm ô mai mơ có thể trị ho đờm dãi, sốt rét cơn…

Ô mai mơ ngon nhưng chứa đường nên cần lưu ý không ăn quá nhiều. (Ảnh minh họa)

Ngoài cách làm thông dụng trên, lương y Sáng tư vấn mọi người có thể dùng quả mơ để làm rượu mơ rất đơn giản. Cụ thể, quả mơ hái về rửa sạch, để ráo rồi ngâm với đường trước 1 đến 2 tuần. Phần nước ngâm đường chắt ra để uống giải khát, còn phần mơ thì đổ rượu vào ngâm cùng sau khoảng 3 tháng có thể sử dụng.

“Đây là thức uống thơm ngon, dễ uống và có nhiều tác dụng với cơ thể như kích thích tiêu hóa, lưu thông khí huyết… Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ dùng với số lượng ít, 1 ly nhỏ/ bữa ăn. Uống nhiều sẽ không tốt có thể gây đau đầu, thậm chí ngộ độc rượu…”, ông Sáng chia sẻ.

Ngoài cách ngâm rượu mơ, quả mơ có thể làm mơ muối cũng rất ngon. Bạn chọn loại quả chín, ương ương, phơi héo, dùng muối xát đều rồi cho vào vại, cứ một lớp mơ rắc một lớp muối như muối cà, nén nhẹ. Sau 3 ngày đêm, đổ ra phơi cho quả mơ tái tái lại đổ vào vại rắc thêm muối để hai đêm một ngày, tiếp đó phơi cho thật khô thành mơ muối trắng. Hoặc có thể đem ngâm nước muối, ngày phơi, làm 8-9 lần, đến khi muối dính vào quả mơ khô trắng là được.

Có thể dùng mơ ngâm rượu và sử dụng liều lượng ít sẽ có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Dù mơ có nhiều tác dụng cho sức khỏe nhưng các chuyên gia khuyến nghị sử dụng điều độ và đúng cách. Lương y Sáng lưu ý mơ có vị chua, tính ấm, nếu ăn tươi nhiều sẽ hại răng, sinh đàm, tăng nhiệt. Người bị bệnh cảm, dạ dày nhiều axit, trẻ em bị lên đậu cấp tính cần kiêng ăn mơ tươi. Đặc biệt, hạt mơ có tính độc nên khi sử dụng cần chú ý liều lượng.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết nhiều người dùng siro mơ rất tùy hứng nên vô tình nạp lượng đường lớn vào cơ thể. Do vậy, khi uống nước mơ cần pha loãng, không dùng quá 200ml/ngày. Với ô mai mơ cũng vậy, chỉ nên thi thoảng mới ăn, mỗi lần không quá 100g vì ô mai mơ cũng chứa rất nhiều đường. Việc ăn nhiều không tốt cho cơ thể, tăng nguy cơ bị đái tháo đường, khiến cơ thể tăng cân, béo phì.

LÊ PHƯƠNG.