Quy định mới về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BGTVT ngày 20/10/2022 Quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2022.

Thông tư này bao gồm 5 Chương với 44 Điều, quy định về tiêu chuẩn tàu bay, nhân viên hàng không; quy trình quản lý, thực hiện, điều hành và các công tác bảo đảm cần thiết khác phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam do hãng hàng không của Việt Nam thực hiện và quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài.

Thông tư Quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Theo quy định mới, chỉ huy tàu bay là người có quốc tịch Việt Nam trên chuyến bay chuyên cơ phải có tổng số giờ bay tích lũy tối thiểu là 5.000 giờ bay thay vì 4.000 giờ (trong đó có tối thiểu 1.500 giờ ở vị trí lái chính) khi chuyến bay lớn hơn 2 giờ, tối thiểu là 4.000 giờ thay vì 3.000 giờ (trong đó có tối thiểu 1.000 giờ ở vị trí lái chính) khi chuyến bay nhỏ hơn 2 giờ.

Đáng chú ý, từ ngày Thông tư được thi hành, người lái tàu bay có quốc tịch nước ngoài chỉ được thực hiện chuyến bay chuyên khoang, có trên 2.000 giờ bay trên loại tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên khoang. Đồng thời, tiếp viên phục vụ trên tàu bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam phải có tổng thời gian tích lũy nghiệp vụ tiếp viên từ 700 giờ trở lên, trong đó có thời gian tích lũy nghiệp vụ tiếp viên trên loại tàu bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam từ 100 giờ trở lên.

Bên cạnh đó, người khai thác cảng hàng không, sân bay phải thực hiện công việc kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay bảo đảm các điều kiện an toàn cho chuyến bay. Công việc kiểm tra và khắc phục các sự cố (nếu có) phải được kết thúc 10 phút (quy định cũ là 30-45 phút) trước thời gian dự kiến cất hoặc hạ cánh của tàu bay chuyên cơ, chuyên khoang.

Thông tư này thay thế Thông tư số 28/2010/TT-BGTVT ngày 13 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ và Thông tư số 53/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2010/TT-BGTVT ngày 13 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng các quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.