Rau dớn còn có nhiều tên gọi khác như dớn rừng, thái quyết,... nhìn gần giống với cây dương xỉ, nhưng kích thước nhỏ hơn. Loại rau này thường mọc ở vùng núi cao các tỉnh miền núi phía Bắc. Những người dân sống ở các vùng núi này thường chẳng mấy xa lạ với rau dớn, nó còn là loại rau chính trong mùa xuân của người Cơ Tu. Đối với họ, rau dớn chẳng khác gì "vua" của các loại rau bởi vừa ngon lại tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên với những người dân không sống ở các vùng núi cao, rau dớn lại là loại rau lạ và nó còn được ví von như "rau trường sinh" nên không ít người lùng mua, do đó giá của loại rau này có thời điểm lên đến 200 nghìn/kg.
Rau dớn có nhiều ở vùng núi phía Bắc, được ví như rau trường sinh. (Ảnh minh họa)
Rau dớn có tác dụng gì?
Ở Việt Nam, rau dớn được sử dụng trong những bài thuốc quý ở các tỉnh miền núi và được đồng bào các dân tộc ưa dùng. Nhưng không chỉ vậy, nó còn được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia khác vì có nhiều công dụng tốt. Chẳng hạn như ở Đài Loan, rau dớn được dùng làm thuốc hạ nhiệt; ở Malaysia thì được sắc thành nước dùng cho phụ nữ sinh đẻ; ở Philippin, nước sắc thân rễ và lá non rau dớn giúp chữa ho và ho ra máu.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, rau dớn có tính mát, giải độc, giải nhiệt, lợi tiểu, giảm táo bón do chất nhầy có trong rau và giảm đau do viêm đại tràng. Ngoài ra, ăn rau dớn còn giúp máu lưu thông tốt và làm dịu đau lưng. Vì rau dớn lành lại giúp tăng cường sức khỏe nên có thể giúp người dân vùng núi có sức khỏe dẻo dai, chịu đựng sương gió tốt hơn. Ngoài ra, cành và lá rau dớn cũng có thể phơi khô để nấu nước uống.
Còn theo quan niệm của y học hiện đại, một số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra tác dụng của một vài chất có trong rau dớn, cụ thể:
- Kháng khuẩn: Nghiên cứu của Malaysia về chiết xuất ethanol trong 19 loại rau, bao gồm cả rau dớn cho thấy rằng loại cây này có hoạt tính kháng khuẩn. Bên cạnh đó, một số chất khác trong rau dớn cũng có đặc tính chống vi khuẩn gây bệnh ở thực vật và người như Salmonella a Arizonae, E. coli,....
- Chống nấm: Chiết xuất methanolic từ lá và thân của cây rau dớn có khả năng kháng nấm. Hơn thế nữa, chiết xuất chloroform từ loại rau này còn có thể kháng tất cả loại nấm có giá trị MIC dao động 0.02 - 2.50mg/ml.
- Chống oxy hóa: Rau dớn chứa flavonoid có khả năng chống oxy hóa.
- Tẩy giun: Phần thân và rễ của rau dớn chứa chất chiết xuất từ ete có thể tẩy giun sán.
Rau dớn được cả Đông y và y học hiện đại công nhận có nhiều tác dụng cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
- Giảm đau: Lá cây rau dớn chứa sterol và flavonoid. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất dạng nước của hai loại hoạt chất này có khả năng giảm đau ở chuột. Từ đó có thể thấy tác dụng giảm đau của rau dớn có lẽ một phần nhờ sự có mặt của hai chất trên.
- Chống tiểu đường: Nghiên cứu về hoạt động ức chế glucosidase (giảm lượng đường trong máu) từ năm loại dương xỉ ăn được, bao gồm cả cây rau dớn cho thấy khả năng của loại rau này mạnh hơn.
- Chống viêm và bảo vệ gan: Nghiên cứu cho thấy rau dớn có tác dụng ức chế độc tính tại gan do hợp chất carbon tetraclorua. Ngoài ra, chiết xuất metanol trong rau dớn còn cho thấy khả năng ức chế cao nhất với lipoxygenase và cyclooxygenase-2.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau dớn
Rau dớn tuy lành tính nhưng cần rửa sạch trước khi ăn để tránh nhiễm sâu bọ, ký sinh trùng. (Ảnh minh họa)
Rau dớn dù là loại rau mọc hoang dại nhưng nó khá lành tính và an toàn để sử dụng. Tuy nhiên vẫn có một số điều cần lưu ý trước khi sử dụng:
- Lá rau dớn non có thể chứa lượng nhỏ các độc tố dương xỉ. Mặc dù hiện vẫn chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc khi ăn rau dớn nhưng bạn vẫn nên thận trọng.
- Rau dớn tính mát, có khả năng lưu thông máu, phụ nữ có thai không nên ăn để không làm ảnh hưởng đến thai kỳ.
- Rau dớn mọc tự nhiên nên thường sẽ không có thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Tuy nhiên nó có thể chứa các ký sinh trùng, sâu bọ bám trên rau nên bạn vẫn cần rửa thật kỹ trước khi ăn.