Sóc Trăng: Người dân làm gì khi bị “khủng bố” trả nợ cho người khác

Khi bị quấy rối, đe dọa, gây áp lực dù không vay nợ, người dân lưu lại số điện thoại, nội dung đe dọa, đòi nợ, sau đó trình báo với công an để được giải quyết.

Ngày 25/5, thông tin từ Công an tỉnh Sóc Trăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phan Văn Ứng vừa ký văn bản về việc phòng ngừa, đấu tranh với hành vi nhắn tin, gọi điện đe dọa, gây áp lực để trả nợ vay cho người khác. 

soc-trang-nguoi-dan-lam-gi-khi-bi-khung-bo-tra-no-cua-nguoi-khac-1653474205.jpg

Hình thức đòi nợ, đe dọa của các đối tượng cho vay 

Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng người dân liên tục bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ, đe dọa, gây áp lực để trả nợ khoản vay của người khác (dù không vay nợ của tổ chức, cá nhân nào hoặc không bảo lãnh cho người khác vay nợ).

Thủ đoạn của hình thức này là khi vay tiền bằng hình thức là khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (app).

Khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc thì người cho vay nợ sẽ nhắn tin, gọi điện thoại để đòi nợ bạn bè của người vay thông qua truy cập danh bạ điện thoại gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người không có nghĩa vụ trả nợ.

Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn bị những người cho vay nợ sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh với nội dung thô tục, nhạy cảm,…để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.

Để được cơ quan có thẩm quyền can thiệp, bảo vệ và xử lý với những trường hợp như trên, Công an tỉnh khuyến cáo các cá nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ.

Sau đó, gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ, đồng thời gửi đơn trình báo, tố giác đến cơ quan công an gần nhất. Mạnh dạn tố giác, phối hợp với công an đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.