Thực hư việc uống nước tía tô giúp giảm tác dụng phụ vắc xin Covid-19

Trên các diễn đàn mạng nhiều người mách nhau uống nước lá tía tô, lá nhọ nồi sẽ giúp giảm tác dụng phụ của vắc xin Covid-19. Các chuyên gia nói gì về thông tin này?
thuc-hu-uong-nuoc-tia-to-giam-tac-dung-phu-vac-xin-covid19-1628385152.jpg

Cụ thể, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin trước và sau tiêm vắc xin Covid-19 nên uống nước ép lá tía tô (lá nhọ nồi), ăn thật nhiều lá tía tô sẽ giảm được các biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi và đặc biệt không bị đau khi tiêm. Họ cũng chia sẻ cách làm đó là trước khi tiêm 2-3 ngày, mua lá tía tô về rửa sạch và ăn sống, ép nước hoặc nấu canh ăn. Mỗi lần uống khoảng 100ml nước tía tô ép và uống liền 3 lần/ngày trước tiêm.

Tuy nhiên theo BS Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC, chưa có nghiên cứu nào chứng minh uống nước tía tô giúp tránh tác dụng phụ của tiêm vắc xin. Đây chỉ là kinh nghiệm dân gian của nhiều bà mẹ truyền tai nhau khi tiêm vắc xin cho trẻ con nhưng cũng không có tác dụng.

Bác sĩ Nga còn cho biết nếu dùng nước tía tô trước và sau tiêm còn làm giảm mờ triệu chứng của sau tiêm, có thể dẫn đến chẩn đoán chậm hơn.

BS Nga chia sẻ có rất nhiều người xin tư vấn của bà rằng việc uống các loại thảo dược, thuốc trước tiêm có giảm được tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 hay không. Thậm chí, có người đi tiêm còn uống thuốc giảm đau hạ sốt từ tối hôm trước nhưng thực tế thuốc chỉ có tác dụng vài giờ nên uống thuốc trước khi đi tiêm không cần thiết.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng thông tin, hiện nay chưa có khuyến cáo nào về việc nấu nước lá tía tô hay lá diếp cá để giảm hạ sốt trước và sau khi tiêm vắc xin.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khi tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có một số tác dụng phụ như sốt, sưng hạch bạch huyết và ớn lạnh… là những dấu hiệu cho thấy vắc xin đã kích hoạt cơ thể bảo vệ chống lại Covid-19. Một số trường hợp có phản ứng sốc phản vệ sau tiêm nhưng tỷ lệ này vô cùng nhỏ.

Phản ứng nguy hiểm thường xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm phòng. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm khó thở, nổi mề đay hoặc sưng tấy, khó thở, chóng mặt và ngất xỉu. Bất kỳ ai gặp các triệu chứng này đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Hiện tại, các loại vắc xin Covid-19 được lưu hành đều được sản xuất theo 3 cơ chế: vắc xin mRNA, vắc xin protein và vắc xin vector, với các tác dụng phụ nặng, nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều an toàn và hiệu quả trong phòng chống Covid-19. Người dân không nên sợ tiêm vắc xin và nghĩ ra các mẹo chống lại tác dụng phụ vì điều này là không cần thiết. PGS Phu cho biết được tiêm vắc xin là quyền lợi cũng như nghĩa vụ với cộng đồng. Rủi ro lớn nhất của tiêm vắc xin đó là sợ hãi không tiêm và cứ chờ vắc xin khác tốt hơn

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết tất cả vắc xin đã được WHO phê duyệt đều đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng, kêu gọi mọi người yên tâm chích ngừa.

"Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vaccine giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh. Vắc xin cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới", ông Park gửi thông điệp ngày 6/8.

Hiện nay, ít nhất 17 vaccine đã được triển khai, 7 trong số đó đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép sử dụng 6 loại vaccine phòng Covid-19, gồm AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Minh Hoa (t/h theo Infonet, Pháp luật Việt Nam, VnExpress) - Người Đưa Tin Pháp Luật