Dịch vụ truyền máu Mỹ cũng không ngoại lệ
Tháng 1/2014, bão tuyết và nhiệt độ đóng băng đã làm hủy 600 buổi hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Mỹ tại 26 bang và Washington DC, dẫn đến thiết hụt gần 20.000 đơn vị máu và tiểu cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo cung cấp máu cho người bệnh tại 2.700 bệnh viện và cơ sở truyền máu trong cả nước. Một số nhóm máu khan hiếm trầm trọng là nhóm O Rh (D) dương, nhóm O Rh (D) âm, nhóm A Rh (D) âm và nhóm B Rh (D) âm.
Mùa thu năm 2018, bão Michael và Florence ở Mỹ đã khiến 7.500 đơn vị máu và tiểu cầu không thể được tiếp nhận do phải hủy bỏ 250 buổi hiến máu ở Đông Nam nước này. Thậm chí có nơi lượng máu dự trữ chỉ đủ cung cấp trong một ngày.
Tháng 9 năm ngoái, siêu bão “quái vật” Dorian ngay khi đổ bộ vào đảo Grand Bahama đã mạnh lên tới cấp 5 (theo thang 1-5 được sử dụng ở Mỹ), với sức gió liên tục ở mức gần 300 km/h hôm 4/9/2019, trở thành cơn bão có sức gió khi đổ bộ đất liền lớn nhất. Khoảng 1.500 chuyến bay đến và đi từ bang Florida của Mỹ đã bị hủy; 1 triệu dân đã phải sơ tán khẩn cấp. Bão cũng khiến gần 50 buổi hiến máu ở Georgia, Nam và Bắc Carolina bị hủy bỏ; 1.200 đơn vị máu và tiểu cầu không thể được tiếp nhận theo kế hoạch.
Ngay ngày 4/9, Hội Chữ thập đỏ Mỹ đã ra lời kêu gọi những người không chịu ảnh hưởng của bão tham gia hiến máu, đồng thời cung cấp khẩn cấp 350 đơn vị chế phẩm máu để hỗ trợ các ngân hàng máu ở Florida.
Miền Trung oằn mình chống bão, các cơ sở truyền máu “cầm cự” lo máu cho người bệnh
Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và cung cấp máu cho các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.
Do ảnh hưởng của mưa bão và lũ lớn tại cả 3 địa phương này nên từ ngày 8/10 đến 22/10, nhiều lịch hiến máu không thể duy trì tổ chức, dẫn đến khoảng 4.000 đơn vị không thể tiếp nhận được. Cho đến nay, do khắc phục hậu quả của bão nên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng chưa thể tổ chức hiến máu.
Trước tình hình này, Bệnh viện TW Huế đã đề nghị Đà Nẵng “chi viện” tổ chức hiến máu vào ngày 29/10 với dự kiến tiếp nhận được 500 đơn vị máu. Nhưng bão số 9 được cảnh báo rất phức tạp khiến một lần nữa kế hoạch tiếp nhận máu này phải hoãn lại cho đến khi thời tiết ổn định trở lại.
TS. Đồng Sỹ Sằng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện TW Huế cho biết: “Bão chồng bão” khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi tháng, trung bình Trung tâm cần khoảng 5.000 đơn vị máu để cung cấp cho các bệnh viện trong khu vực, nhưng dự kiến chỉ có thể cung cấp tối đa 3.500 đơn vị trong tháng 10 này dù đã hoãn tối đa các trường hợp mổ phiên cần sử dụng máu. Đến ngày 27/10, Trung tâm đang lưu trữ 1.200 đơn vị máu, chỉ đủ cung cấp trong 7 – 10 ngày”.
Trong tình thế cấp bách này, cuối tuần qua (23 – 26/10), nhân viên y tế của chính Bệnh viện TW Huế và giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học (thuộc Đại học Huế) đã tích cực hiến máu. Đây cũng là lực lượng thường xuyên tham gia hiến máu khẩn cấp mỗi khi xảy ra tình trạng khan hiếm máu.
Là đơn vị thường xuyên được cung cấp máu từ Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) gần như phải “tự lực cánh sinh” trong suốt mấy tuần qua để đảm bảo cung cấp đủ máu cho người bệnh.
Nhiều nơi tại Đồng Hới và Thừa Thiên - Huế ngập nặng dẫn đến không thể tổ chức hiến máu tại Quảng Bình, Bệnh viện TW Huế cũng không thể di chuyển ra Quảng Bình để tiếp nhận và cung cấp máu.
ThS. BS. Hồ Hoàng Thị Kim Huệ, Trưởng khoa Sinh hóa – Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Cuba Đồng Hới cho biết: “Bệnh viện hầu như phải huy động người nhà bệnh nhân hiến máu nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi dịch sốt xuất huyết cũng gia tăng và diễn biến phức tạp nên mỗi ngày đều cần 4 – 5 đơn vị tiểu cầu máy”.
Chia sẻ với các bệnh viện và cơ sở truyền máu khu vực miền Trung, BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết sẽ sẵn sàng cung cấp máu cho các tỉnh nếu tình trạng thiếu máu vẫn còn trầm trọng do ảnh hưởng của bão lũ, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương.