Liên tục những ca tai biến, chết người
Ngày 17/10/2019, chị V.N.A.T (33 tuổi) tử vong sau khi được phẫu thuật đặt túi nâng ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (BV EMCAS, cơ sở tại quận 10, TP.HCM).
Chị V.N.A.T đến BV EMCAS và được bác sĩ Đinh Viết Hưng phẫu thuật đặt túi nâng ngực chiều 17/10/2019. Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 40 phút. Sau khi hoàn tất, mọi chỉ số của bệnh nhân đều ở mức bình thường. Tuy nhiên, 5 tiếng sau, chị T. bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất thường, ngưng tim, ngưng thở.
Bệnh viện Emcas đã tiến hành sơ cứu ban đầu rồi chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Dù vậy, bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong.
Cũng tại bệnh viện Emcas, năm 2017, một người phụ nữ đã tử vong sau khi tiến hành "nắn chỉnh hai xương hàm". Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân hoàn toàn ổn định và được rút nội khí quản, chuyển qua phòng hồi tỉnh. Tuy nhiên, ngay sau đó, bệnh nhân bất ngờ rỉ máu trong khoang miệng, rơi vào trạng thái hôn mê, ngưng thở và được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.
Tháng 4/2019, thông tin về một nữ bệnh nhân tử vong sau khi hút mỡ bụng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, khoảng 1h ngày 6/4/2019, khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nữ bệnh nhân N.A. (sinh năm 1994) từ Bệnh viện An Việt chuyển đến với lý do bệnh nhân xuất hiện co giật, trụy mạch sau khi khởi mê để phẫu thuật.
Bệnh nhân đã được Bệnh viện An Việt xử trí cấp cứu tại chỗ và chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để được tiếp tục cấp cứu.
Lúc này, bệnh nhân N.A. trong tình trạng hôn mê sâu, đang phải hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm thăm dò chức năng, chụp cộng hưởng từ. Kết quả thăm khám cho thấy hình ảnh thiếu máu não, phù não.
Nữ bệnh nhân đã được tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn liên chuyên khoa ngay trong đêm và sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực.
Sau đó, bệnh viện đã nhiều lần tổ chức hội chẩn chuyên môn với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa cũng như sử dụng các máy móc hiện đại để hồi sức. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không tiến triển và người này đã tử vong lúc 15h ngày 10/4/2019.
Gần đây nhất, vào chiều 27/12/2019, một người đàn ông trung niên bất ngờ tử vong sau khi thực hiện hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (số 83 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Cơ quan chức năng xác định, người đàn ông tới thẩm mỹ viện này làm đẹp, hút mỡ bụng nhưng trong quá trình xử lý, tiêm thuốc xảy ra phản ứng dẫn đến tử vong.
Đã xảy ra cách đây nhiều năm nhưng đến nay, vụ án ở thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn còn gây ám ảnh. Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh H. (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Các nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) khai nhận, sau khi làm phẫu thuật nâng ngực khiến chị H. tắt thở, để phi tang, những nhân viên trên đã chở xác chị H. lên cầu Vĩnh Tuy vứt xuống sông Hồng, sau đó đưa xe máy của chị để ở Sài Đồng để tạo hiện trường giả.
Bản án sau đó được đưa ra 19 năm tù dành cho Nguyễn Mạnh Tường (chủ mưu) - bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật.
Bỏ mặc tính mạng khách hàng
Các bác sỹ cho rằng sở Y tế phải lưu ý kiểm tra, giám sát tình trạng phổ biến hiện nay đó là bệnh viện “hợp tác” với các bác sỹ, để bác sỹ “câu” khách bên ngoài đưa vào bệnh viện làm phẫu thuật thẩm mỹ, ăn chia.
Cụ thể, bác sỹ có "khách", tự thỏa thuận giá cả về nâng ngực, làm mũi... rồi đưa về bệnh viện. Bệnh viện hưởng chi phí nằm viện, gây mê... Điều đáng lo ngại là người phẫu thuật không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ, rất nguy hiểm cho khách hàng. Rồi các mỹ viện móc nối với bác sỹ làm phẫu thuật thẩm mỹ trái chuyên môn...
Chẳng hạn như vụ Bác sỹ Đinh Viết Hưng, từ một bác sỹ “tay ngang” nhảy qua làm thẩm mỹ, bất chấp cả việc làm giả chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ nhưng vẫn hoạt động được tại Bệnh viện EMCAS (quận 10), để rồi phẫu thuật đặt túi ngực dẫn đến khách hàng tử vong; ngay cả một phụ nữ đang mang thai nhưng bác sỹ Hưng cũng nhận hút mỡ bụng, đó là trường hợp chị Đ.T.N.A (ở Hà Nội).
Một bác sỹ lâu năm trong lĩnh vực thẩm mỹ đặt vấn đề: “Một số Bệnh viện thẩm mỹ cho thuê phòng mổ và bây giờ là thời điểm “ăn khế trả vàng”. Một bác sỹ thuộc Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý nghiêm vụ việc BS Đinh Viết Hưng đã lừa dối khách hàng, làm giả chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ, gây tai biến cho khách hàng, rất nguy hiểm.
Lựa chọn bệnh viện uy tín, bác sỹ có chứng chỉ trước khi quyết định “dao, kéo”
Có thể nói, yếu tố tiên quyết giúp ca phẫu thuật thành công hay thất bại, phần lớn là do bác sĩ phẫu thuật. Họ chính là người trực tiếp tiến hành công việc này, một vị bác sỹ nhiều kinh nghiệm, có đủ chứng chỉ hành nghề là lựa chọn số 1.
Cụ thể, cần tìm đến bệnh viện uy tín, có tên tuổi, được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định của bộ Y tế để được tiến hành một cách chuyên nghiệp, đầy đủ dụng cụ và công nghệ tiên tiến. Bệnh viện lớn cũng đồng nghĩa với việc ít rủi ro, và nếu không may xảy ra sự cố (phẫu thuật thẩm mỹ không thể nói chắc thành công 100%) thì đây cũng là nơi xử lý, cấp cứu bệnh nhân nhanh nhất.
Như vậy, dù tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ theo bất kỳ phương pháp nào thì việc kiểm tra sự phù hợp giữa phương pháp và cơ thể của bạn là điều hết sức quan trọng. Đồng thời, người tiêu dùng nên chủ động trong việc tìm hiểu, trang bị những kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết về phẫu thuật thẩm mỹ để tránh những biến cố đáng tiếc xảy ra.