“Bốc bát họ” núp tín dụng đen sẽ bị xử phạt như thế nào?

Để có tiền trang trải cuộc sống và chi tiêu, cặp vợ chồng “hờ” Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Văn Tuấn sinh sống tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cho vay nặng lãi núp bóng hình thức bốc bát họ. Song hành vi trái pháp luật của cặp đôi đã không qua mắt được cơ quan chức năng…

Hành trình sa lưới pháp luật của cặp vợ chồng “hờ”

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa đấu tranh phá án thành công và khởi tố 7 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đây được xem là một trong những chuyên án lớn của Công an tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021 liên quan đến loại tội phạm này.

Theo đó, qua công tác quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện ổ nhóm cho vay lãi nặng hình thức bốc bát họ núp bóng công ty mua bán nhà đất, hỗ trợ tài chính do Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1983, trú tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên) cầm đầu.

Các đối tượng tại cơ quan công an.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ để quyết định phá án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của Nguyễn Thị Hải Yến tại Phường Liên Bảo.

Tại đây, cơ quan công an thu giữ 15 quyển sổ ghi chép theo dõi cho vay, thu nợ cùng các tài liệu quan đến việc cho vay lãi nặng. Đồng thời, Cơ quan công an ra lệnh giữ khẩn cấp đối với 4 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng gồm: Nguyễn Thị Hải Yến; Cao Thị Vui (SN 1993, quê huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Hải (SN 1995, quê quán huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Hòa (SN 1983, quê quán huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc).

Quá trình điều tra đã xác định rõ, Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Văn Tuấn chung sống với nhau như vợ chồng tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên và thành lập Công ty mua bán nhà đất, hỗ trợ tài chính Tuấn Yến.

Cơ quan chức năng làm rõ hình thức, thủ đoạn các đối tượng cho vay nặng lãi như sau: Người muốn vay tiền đặt vấn đề bốc bát họ khống chế số tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng với thời gian trả 20 ngày hoặc 40 ngày. Thực chất đây là việc cho vay lãi nặng.

Khi cho vay, Yến trừ ngay tiền lãi là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 182,5%/năm (đối với bát họ 20 ngày) hoặc 10.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 365%/năm (đối với bát họ 40 ngày). Người vay chỉ nhận được số tiền còn lại sau khi đã trừ tiền lãi.

Khi thanh toán vay thì số tiền vay được chia đều cho số ngày vay, người vay sẽ phải trả số tiền gốc vay theo từng ngày. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 7 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để xử lý theo quy định pháp luật. Vụ án đã kết thúc quá trình điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố các bị can.

Biến tướng của “tín dụng đen” núp bóng dưới hình thức “bốc họ”

Theo cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc, việc Tuấn và Yến thành lập công ty trên nhưng thực chất là tổ chức thực hiện hành vi cho vay lãi nặng. Yến thuê Cao Thị Vui làm quản lý, theo dõi sổ sách cho vay lãi, thu lãi và thu nợ. Cùng với Vui, Yến thuê Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Hòa và một số đối tượng khác thực hiện hành vi siết nợ khi những người vay nợ không trả đúng hạn.

“Hoạt động cho vay lãi nặng mà Nguyễn Thị Hải Yến thực hiện với phương thức khá mới. Quá trình đấu tranh, cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh hành vi sai phạm của các đối tượng”, nhận định từ cơ quan chức năng.

Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đỗ Gia Việt.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cá nhân và gia đình. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau. 

Theo Luật sư Đỗ Ngọc Anh: Việc cho vay và vay vốn ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ pháp luật dân sự, không phải là hành vi bị pháp luật cấm, thậm chí còn được khuyến khích để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hỗ trợ lẫn nhau giải quyết công việc trong cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi xác định được là lãi suất cho vay vượt quá quy định và có tính chất “bóc lột”.

Qua thực tiễn các vụ án đã xảy ra, để chứng minh được mức lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng đen tại thời điểm vay là rất khó khăn. Các đối tượng cho vay hầu hết không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Những chủ nợ này thường khấu trừ luôn tiền lãi vào tiền gốc ngay khi giao tiền nên người vay thường không bao giờ được nhận đủ số tiền vay ghi trong hợp đồng.

Thậm chí, có chủ cho vay còn biến tướng sang một dạng hợp đồng khác như hợp đồng cho thuê ô tô, xe máy tự lái… với số tiền lãi phải trả là số tiền thuê tài sản trong ngày để tránh việc bị phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng và khi người vay không trả được nợ thì tố cáo họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Mới đây còn xuất hiện một dạng cho vay nặng lãi dưới hình thức hỗ trợ tài chính gọi là “bốc bát họ” cũng là một dạng tín dụng đen tinh vi che đậy bản chất bóc lột. 

Hành vi cho vay có tính chất “chuyên bóc lột” thật khó chứng minh, đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi mà nó đã chuyển hóa thành những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản…

“Để tín dụng đen không còn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, mỗi người dân cần lên án, bài trừ tín dụng đen; khi phát hiện thấy có dấu hiệu tội phạm, cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để có hướng bài trừ, triệt phá”, Luật sư Đỗ Ngọc Anh khuyến cáo.

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.