Cụ thể, tại Điều 30 của Nghị định này quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Trong đó, đối tượng là học sinh nằm trong phạm vi áp dụng.
Ngoài ra, tại Điều 30 cũng quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
– Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
– Ép buộc người khác uống rượu bia.
Ngoài ra, Điều 36 của Nghị định này cũng nêu rõ, trong trường hợp con chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia, cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trước đó cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở trẻ dưới 18 tuổi không uống rượu, bia.
Cùng với đó, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định của Nghị định này.
Hiện nay, tình trạng người dưới 18 tuổi thời nay lạm dụng bia rượu ngày một gia tăng. Có thể nói, việc tuổi trẻ lạm dụng bia, rượu dẫn đến say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm mất an ninh, trật tự... Việc sử dụng rượu bia của nhóm đối tượng này cũng sẽ gây hại không nhỏ cho sức khỏe, bởi thể chất các em chưa thật sự phát triển hoàn chỉnh.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định việc áp dụng quy định là cấp thiết và thiết thực.