Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa vừa ký văn bản gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ thôi việc từ 1/1/2020 đến hết 6 tháng đầu năm 2022.
Trong văn bản gửi tới các bộ, cơ quan ban ngành, địa phương, Bộ Nội vụ nhận định trong thời gian qua, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương xin nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân" có xu hướng tăng nhanh.
Để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền giải pháp khắc phục tình trạng hàng loạt công chức xin thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể số lượng, cơ quan đơn vị, giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn… của cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay.
Bộ Nội vụ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng xin thôi việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục.
Tuổi Trẻ Online nhận định, bên cạnh những khó khăn của dịch bệnh trong hơn 2 năm qua thì mức lương khu vực công thấp hơn nhiều so với khu vực tư cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn rời bỏ khu vực Nhà nước, tìm kiếm công việc trong khu vực tư nhân có thu nhập tốt hơn.
Chỉ riêng trong ngành y tế, theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức xin thôi việc, bỏ việc.
Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…