COVID-19 lây lan trong cộng đồng: Xử lý nghiêm vi phạm về cách ly

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm qua yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TP.HCM, áp dụng các biện pháp mạnh hơn để ngăn dịch bệnh lây lan.

Vi phạm nghiêm trọng

Chiều 1/12, kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong bối cảnh xuất hiện những ca nhiễm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP.HCM cấp tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra. Thủ tướng yêu cầu bộ GTVT chủ trì việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo Thủ tướng, đây là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng GTVT phải báo cáo Thủ tướng việc xử lý và bộ Y tế giám sát vấn đề này.

Trước đó, phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, việc xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng ở TP.HCM với số lượng F1, F2 lớn là nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa. “Việc này không đơn giản, tôi yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này. Cụ thể cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân quận 6, TP.HCM Ảnh: Ngô Bình

Về vụ lây nhiễm ở TP.HCM, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, bệnh nhân 1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà (đã tiếp xúc người khác). Người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý làm không đúng quy định về cách ly, khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện quy định quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay; chủ cơ sở lưu trú nhà trọ không thực hiện nghiêm về cách ly. UBND phường và Vietnam Airlines chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm. Do đó, bộ Y tế đề nghị kiểm điểm trách nhiệm với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, nhà trọ và bệnh nhân 1342 khi để lây nhiễm ra cộng đồng. “Khi phát hiện ra trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì cũng phải cách ly 14 ngày. Nhưng ở đây, việc thực hiện lỏng lẻo dẫn đến lây nhiễm”, ông Long nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát các cơ sở cách ly. Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Y tế chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm xảy ra các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 không cho phép các tiếp viên, tổ bay kết thúc sớm việc cách ly tập trung, ngay cả trong trường hợp chuyến bay không có trường hợp lây nhiễm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đề nghị thực hiện cách ly tập trung đối với đội bay, tránh trường hợp lơ là, chủ quan dẫn đến lây lan ra cộng đồng.

Người dân cả nước đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sẽ tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu, trong đó tập trung các đối tượng người cao tuổi, sinh viên... “Chỉ những trường hợp cần thiết mới về, kể cả Tết Nguyên đán cũng hạn chế vì nhiều chuyến bay, ca nhiễm dương tính về Việt Nam rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mọi chuyến bay phải tập trung ở khu cách ly quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp, như giao cho Vietnam Airlines vừa qua làm lỏng lẻo. Đây là biện pháp cần thiết để bệnh tật không lây lan ra cộng đồng. “Tinh thần là từ tháng 1 ngừng đưa người nước ngoài về Việt Nam, phục vụ sự kiện chính trị lớn của đất nước và đại hội Đảng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên kiểm soát những nơi có thể xảy ra ổ dịch như siêu thị, bệnh viện, bến xe, nhà máy, trường học… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc bởi hiện có tâm lý chủ quan, coi thường, cho rằng không có dịch trong khi dịch có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp địa phương. “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là trong hệ thống y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc giãn cách xã hội cần thực hiện ở những nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý tránh ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, một số trường hợp vừa qua thì phải có cách giãn cách xã hội, như TP.HCM đang làm. “Cách ly một vài khu phố không ảnh hưởng nhiều”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có Chỉ thị của Chính phủ về các biện pháp trong tình hình mới. Trước hết, TP.HCM tập trung truy vết, xử lý F1, F2 cương quyết, kịp thời và thần tốc kiểm soát tốt tình hình cả nước để có cái Tết yên bình và tiến tới tổ chức Đại hội Đảng thành công.