Ngày 11/12, BSCK1 Nguyễn Đức Tới - Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công người đàn ông 52 tuổi bị đột quỵ cấp trước khi lên máy bay.
Theo đó, khoảng 11h40 ngày 8/12, ông H.L.T (52 tuổi) đang ngồi chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất thì đổ gục xuống, không nói được, không nhận ra người quen. Người đàn ông ngay sau đó đã được chuyển đến bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người phải, thất ngôn giờ thứ 2.
Căn cứ trên các kết quả kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ cấp, khối máu đông gây tắc động mạch não đang đe dọa tính mạng. BSCK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh cho biết: "Sau hội chẩn nhanh, chúng tôi quyết định khởi động quy trình điều trị huyết khối nhằm tái thông kết hợp can thiệp nội mạch. Đây là trường hợp tắc động mạch lớn trong nội sọ nên cùng lúc bệnh viện đã thực hiện song song 2 chỉ định phối hợp điều trị tiêu huyết khối tĩnh mạch và can thiệp nội mạch".
Tuy nhiên, khi chuyển vào phòng can thiệp người bệnh đột ngột diễn tiến nặng, mất tri giác. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực đồng thời khẩn cấp thực hiện phương án can thiệp hỗ trợ. Sau khoảng 1 giờ "chạy đua với tử thần" trong phòng can thiệp, dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch máu xóa nền DSA các bác sĩ đã luồn thiết bị chuyên dụng từ động mạch đùi tiếp cận vị trí bị tắc ở mạch máu não lấy thành công cục máu đông, khai thông động mạch cho người bệnh.
Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp đột quỵ não cấp, nguy kịch tính mạng nhưng đã được chuyển đến bệnh viện trong thời gian vàng, được chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời nên người bệnh qua được nguy kịch. Đến ngày 10/12, sức khỏe người bệnh bình phục tốt, các dấu hiệu yếu liệt chi không còn, bệnh nhân đã ăn uống, trò chuyện bình thường, hiện đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Những áp lực của cuộc sống thường ngày và sự thay đổi lối sống của con người như ăn nhiều đồ béo, lười vận động dẫn tới các bệnh lý mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… là các tác nhân cơ bản gây nên nguy cơ đột quỵ cho con người. Ngoài những trường hợp có bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh thì xu hướng bệnh nhân bị đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa do áp lực công việc dẫn tới căng thẳng, stress…
Để phòng tránh nguy cơ bệnh đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường vận động thể lực, tạo lối sống lành mạnh, ít sử dụng các chất kích thích, ăn uống điều độ, khoa học. Người dân cần đi khám bệnh định kỳ để phát hiện yếu tố nguy cơ, tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc điều trị của bác sĩ.
Những trường hợp bị đột quỵ có thể có những dấu hiệu cảnh báo sớm trước vài ngày với cơn chóng mặt do thiếu máu não thoáng qua. Khi có những biểu hiện tê yếu tay chân, nói đỡ, yếu liệt nửa người khó đi lại… thì người bệnh đã rơi vào đột quỵ. Đặc biệt trên bệnh nhân có yếu tố tiểu đường, huyết áp, tim mạch… cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, những người không có nguy cơ trên cũng cần lưu ý thăm khám kịp thời để được bác sĩ chẩn đoán, can thiệp sớm, tránh nguy hiểm tính mạng.