Ngày 14/11, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kiểm tra trực tiếp các tuyến đường được coi là điểm đen về tai nạn giao thông tại tỉnh Đồng Nai.
Đoàn tập trung kiểm tra việc đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng tại một số "điểm đen" tai nạn và bất cập hạ tầng giao thông.
Tại Tp.Biên Hòa, đoàn đã trực tiếp kiểm tra các nút giao lớn như: ngã tư Vũng Tàu, vòng xoay Cổng 11 và giao lộ Quốc lộ 51 với đường Võ Nguyên Giáp.
Đây là những nút giao có tình hình giao thông phức tạp với đông đúc các loại xe tải, xe đầu kéo, xe ben chở đất đá lưu thông mỗi ngày.
Đáng chú ý, tại nút giao Quốc lộ 51 với đường Võ Nguyên Giáp, trong 9 tháng của năm 2023 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm 3 người tử vong. Còn vòng xoay Cổng 11 xảy ra 2 vụ làm chết 1 người, bị thương 1 người. Đây là 2 "điểm đen" tai nạn giao thông vừa phát sinh trong thời gian gần đây.
Để khắc phục các nguy cơ mất an toàn, tại nút giao Quốc lộ 51 - đường Võ Nguyên Giáp, cơ quan chức năng đã điều chỉnh pha đèn tín hiệu, gắn thêm đèn tín hiệu phụ dành cho xe ô tô rẽ phải, giúp người lái xe ô tô dễ di chuyển hơn, hạn chế va chạm với xe máy.
Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ lắp đặt đèn tín hiệu, bảng phân làn giao thông trên hệ thống giá long môn để người lái xe qua đây tiện quan sát từ xa.
Còn tại vòng xoay Cổng 11, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã chấp thuận giải pháp xử lý bố trí đèn tín hiệu xanh - đỏ và yêu cầu thi công hoàn thành trước ngày 31/12.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét xây dựng nút giao khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) tại nút giao này, nhằm đảm bảo cho việc lưu thông thuận lợi.
Ngoài ra, cũng trong sáng ngày 14/11, đoàn công tác cũng kiểm tra các bất cập về hạ tầng tại nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Quốc lộ 56 (Tp.Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ).
Đây là vị trí tồn tại các bất cập về hệ thống biển báo, tín hiệu chỉ dẫn, đèn chiếu sáng... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã dẫn đầu đoàn công tác của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia có buổi làm việc tại tỉnh Đồng Nai.
Về phía UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tiếp và làm việc với đoàn, cùng đông đủ các ban ngành tham dự.
Qua thống kê của Ban An toàn giao thông, trong 10 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 309 vụ tai nạn giao thông, làm chết 260 người, bị thương 147 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tăng 130 vụ, số người chết tăng 120 người, số người bị thương tăng 84 người.
Đáng nói, trong 10 tháng của năm 2023, các tuyến quốc lộ qua tỉnh Đồng Nai cũng phát sinh nhiều "điểm đen", tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Cụ thể, trên Quốc lộ 51, tại lý trình Km 4 + 750 (Tp.Biên Hoà) xảy ra 3 vụ, làm 3 người chết; lý trình Km 23 đến Km 23 + 50 (huyện Long Thành) xảy ra 2 vụ, làm chết 3 người. Đặc biệt, tại vòng xoay Cổng 11 (Tp.Biên Hòa) từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra 2 vụ, làm chết 1 người, bị thương 1 người.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương đã kiến nghị với Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia các giải pháp về hạ tầng để góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên những tuyến quốc lộ.
Điển hình như: Chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) xử lý các tồn tại ở vị trí quốc lộ 56 giao với đường cao tốc; xây dựng hoàn chỉnh nút giao ngã tư Vũng Tàu (Tp.Biên Hòa); mở rộng mặt đường và lắp đặt dải phân cách trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20 qua địa phận tỉnh Đồng Nai; sớm thống nhất chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn với nhà đầu tư Quốc lộ 51 và triển khai các thủ tục để tháo dỡ trạm thu phí trên tuyến đường này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhìn nhận, nhiều kiến nghị của tỉnh lên các cấp chưa được giải quyết do liên quan đến kinh phí.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, có biện pháp giải quyết dứt điểm các kiến nghị mà tỉnh đã nêu như trên, để góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định, tỉnh Đồng Nai là địa phương có các tuyến giao thông trọng điểm nên lượng phương tiện tham gia giao thông tại tỉnh Đồng Nai là rất lớn, dẫn tới nguy cơ tai nạn giao thông ở mức cao.
Để đảm bảo an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cơ quan chức năng địa phương và Bộ GTVT cần phải có phương án tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao đang là “điểm đen” về tai nạn giao thông hoặc các cụm nút giao thông phức tạp.
Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị, các cơ quan chức năng của tỉnh khi quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị phải có đánh giá tác động giao thông với các công trình phát sinh nhu cầu giao thông.
Nhất là đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, kiến nghị biện pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Đồng Nai.
Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị, phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các trường, của giáo viên chủ nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh.
Đặc biệt, cơ quan chức năng của tỉnh phải xử lý dứt điểm tình trạng học sinh gửi xe máy bên ngoài trường. Chủ các khu công nghiệp cũng phải nghiên cứu, lập kế hoạch an toàn giao thông cho khu công nghiệp; chủ doanh nghiệp phải có kế hoạch an toàn giao thông cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Khuất Việt Hùng đề nghị tỉnh Đồng Nai, tham khảo Tp.HCM trong việc xây dựng mô hình dự báo tình hình giao thông trên toàn tỉnh.
Cụ thể, nghiên cứu mạng lưới giao thông và mức tăng trưởng lượng phương tiện qua hàng năm; từ đó đề ra giải pháp chống ùn tắc và phân luồng giao thông cho phù hợp để đảm bảo về an toàn giao thông.