Kết hôn 6 năm chưa có con, người phụ nữ cùng chồng đi khám, gục ngã khi bác sĩ tiết lộ sự thật

Kết hôn nhiều năm vẫn chưa có con trong khi bạn bè đều chuẩn bị sinh tiếp, người phụ nữ không khỏi sốt ruột, vội kéo chồng đến bệnh viện khám.

Câu chuyện hi hữu xảy ra với vợ chồng chị Đinh và anh Lưu hiện đang sinh sống ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Chị Đinh và chồng đã kết hôn với nhau được 6 năm nhưng vẫn chưa có con.

Trong hai năm đầu sau khi kết hôn, người nhà sốt sắng giục giã nhưng vì công việc bận rộn, vợ chồng chị Đinh chưa nghĩ đến việc có em bé. Sau khi kinh tế tạm ổn định, anh Lưu và chị Đinh bắt đầu ngừng kế hoạch để sinh con nhưng mãi vẫn không thể đậu thai. Bạn bè xung quanh đều đang lên kế hoạch sinh con thứ hai, càng khiến chị Đinh cảm thấy sốt ruột và lo lắng hơn.

Vợ chồng chị sau đó đã cùng nhau tới một bệnh viện ở Trịnh Châu để kiểm tra, không ngờ nhận kết quả quá mức bất ngờ. Vấn đề khiến cặp đôi mãi vẫn không có con hóa ra nằm ở anh Lưu.

Bác sĩ Tôn Tự Học – Chủ nhiệm khoa Y học Sinh sản ở bệnh viện này cho hay anh Lưu có vóc dáng trung bình, ăn nói nhẹ nhàng, làm da trắng trẻo, mịn màng hơn cả vợ. Người đàn ông này làm trong ngành IT, ngoài thời gian tăng ca thì cuộc sống rất quy củ, sinh hoạt “vợ chồng” đều đặn nhưng chưa một lần chị Đinh thấy que thử thai lên 2 vạch.

ket-hon-6-nam-chua-co-con-nguoi-phu-nu-cung-chong-di-kham-guc-nga-khi-bac-si-tiet-lo-su-that-1617764068.jpg

Nhận kết quả xét nghiệm của chồng, chị Đinh suy sụp khóc nấc. Ảnh minh họa

Kết quả phân tích tinh dịch của anh Lưu khiến chị Đinh và mọi người không khỏi ngỡ ngàng: Không có tinh trùng như những người đàn ông bình thường. Bác sĩ sau đó cho anh Lưu thực hiện xét nghiệm Karyotype.

Được biết, đây là xét nghiệm để xác định và đánh giá kích thước, hình dạng và số lượng nhiễm sắc thể trong một mẫu tế bào cơ thể, tìm kiếm và phát hiện những bất thường về số lượng nhiễm sắc thể như đa bội, thiểu bội, hoặc về cấu trúc nhiễm sắc thể như lặp đoạn, mất đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn...

Chị Đinh một lần nữa sững sờ đến ngớ người khi kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm sắc thể của anh Lưu là 46, XX (tức 44 nhiễm sắc thể thường và 2 nhiễm sắc thể giới tình XX, là bộ nhiễm sắc thể của nữ giới), hoàn toàn không phải 46, XY (tức 44 nhiễm sắc thể thường và 2 nhiễm sắc thể giới tính XY) của nam giới. Điều này có nghĩa anh Lưu dù có bộ phận sinh dục như một người đàn ông nhưng bản chất sinh học lại là phụ nữ.

Cầm kết quả trên tay, chị Đinh òa lên khóc nức nở: “Ai mà ngờ được người chồng bên cạnh tôi bao nhiêu năm qua lại là phụ nữ. Thế này thì làm thế nào để có con được đây? Tôi phải sống ra sao đây?”.

Chia sẻ về trường hợp của anh Lưu, bác sĩ Tôn cho biết: “Người chồng không có khả năng sinh sản vì bộ nhiễm sắc thể bất thường, thiếu khuyết nhiễm sắc thể Y. Kết quả xét nghiệm nội tiết tố cho thấy khả năng sinh tinh gặp trở ngại, không có khả năng sinh sản tự nhiên”.

Dù vậy, câu nói sau cùng của bác sĩ Tôn đã cho vợ chồng chị Đinh và anh Lưu chút hy vọng mong manh: “Nếu muốn có con thì chỉ có thể sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo dùng tinh trùng hiến tặng”. 

Đinh Kim (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật