UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, trong nửa đầu năm, UBND tỉnh Nam Định đã tập trung ban hành kế hoạch công tác PCTN năm 2022 và hệ thống các văn bản liên quan.
Trong kỳ, UBND các huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh đã ban hành 76 văn bản để chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.
Đã kịp thời triển khai và hoàn thành việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 theo đó số điểm tự chấm đạt 57,46/100 điểm.
UBND tỉnh cũng đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về PCTN, các văn bản chỉ đạo của Trung ương về PCTN. Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức được 11 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN với 1.175 người tham dự.
Đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham những, trong nửa đầu năm 2022, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp như công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chuyển đổi vị trí công tác; Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý điều hành và thanh toán không dùng tiền mặt; Kiểm soát tài sản thu nhập.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, hiện tổng số vụ việc tham nhũng đang được xem xét xử lý trong kỳ báo cáo là 10 vụ việc với 34 đối tượng. Trong đó, số vụ phát hiện mới trong kỳ là 5 vụ với 13 đối tượng; số vụ phát hiện trong kỳ trước đang điều tra, xét xử trong kỳ này là 5 vụ với 21 đối tượng.
Trong tổng số 10 vụ việc, có 06 vụ đang trong giai đoạn điều tra; 02 vụ đang chờ Tòa án nhân dân xét xử; 1 vụ đã xét xử xong; 1 vụ đã xét xử nhưng chưa xong.
Tổng số tài sản tham nhũng phát hiện trong kỳ là hơn 1,5 tỷ đồng trong đó đã thu hồi được hơn 1,2 tỷ đồng.
“Tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh không phức tạp; trong kỳ, số vụ việc tham nhũng phát sinh bị khởi tố ít (5 vụ); qua rà soát chưa phát hiện trường hợp nào tặng quà, nhận quà, sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022; các biện pháp phòng ngừa được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tại các đơn vị, góp phần hạn chế việc phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà.
Các hành vi tham nhũng phát sinh đã được kịp thời xử lý, các vụ án tham nhũng nhanh chóng được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật; góp phần răn đe và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình”, UBND tỉnh Nam Định nhận định.
Bên cạnh những mặt tích cực, UBND tỉnh Nam Định cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế.
“Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng chưa được thường xuyên, liên tục; nội dung hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tự kiểm tra giám sát nội bộ phát hiện ngăn chặn tham nhũng tiêu cực, lãng phí còn hạn chế.
Chưa phát huy hết vai trò của các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các loại báo cáo liên quan đến công tác PCTN nhiều, thời điểm lấy số liệu không thống nhất do đó việc tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian”, UBND tỉnh Nam Định cho biết.
Trong thời gian tới, nhằm phát huy những mặt tích cực, khắc phục, giải quyết những mặt hạn chế, UBND tỉnh Nam Định xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN;
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao chất lượng công khai, minh bạch của cơ quan, tổ chức, đơn vị; giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đã xây dựng.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác PCTN; kịp thời xử lý, giải quyết các đơn tố cáo, phản ánh liên quan đến tham nhũng.
Ngoài ra, thường xuyên đôn đốc các đơn vị trong khu vực ngoài nhà nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đảng, Đoàn thể chính trị trong việc triển khai công tác PCTN, tập trung phối hợp trong công tác kiểm soát tài sản thu nhập, trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin về tham nhũng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN.
Trước đó, ngày 10/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Nam Định theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Nam Định gồm 15 thành viên, do ông Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Phó Trưởng Ban Thường trực là ông Hoàng Nguyên Dự, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ngoài ra còn có 4 Phó Trưởng Ban khác và các ủy viên là cán bộ lãnh đạo các ban Đảng, các cơ quan Tư pháp và khối chính quyền của tỉnh.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban thực hiện theo Quyết định số 67-QĐ/TƯ ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư. Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Lê Mạnh Quốc