Ngày 29/4, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 27 tuổi, trú tại Phú Thọ, theo báo Pháp Luật TP.HCM. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mắt phải mi nề, sụp mi, kết mạc cương tụ, mờ thị trường phía trước, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.
Bệnh nhân cho biết trước đó đã thực hiện thủ thuật tiêm filler làm đầy rãnh má tại một tiệm tóc. Sau khi tiêm, người bệnh đột nhiên thấy mắt phải mờ dần và không nhìn được rõ. Qua thăm khám cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân phải theo dõi tắc động mạch mắt phải. Gia đình xin chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương để điều trị.
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời bác sĩ cho biết tắc mạch là biến chứng nặng nề nhất của việc tiêm filler. Bên cạnh việc gây mù lòa, mất và giảm thị lực, việc sai sót trong quá trình thực hiện thủ thuật này còn đe dọa tắc động mạch nuôi da, cơ quan thần kinh ổ mắt, tắc mạch máu não, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ cảnh báo không nên tiêm filler ở các cơ sở cắt tóc, gội đầu hoặc ở nhà riêng vì những người không có chuyên môn thực hiện sẽ mang đến mối nguy hiểm rất lớn đối với sức khỏe. Thêm nữa, tiêm các chất không có nguồn gốc xuất xứ cũng dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, khoa Phẫu thuật hàm mặt – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trên thế giới mỗi năm có hàng trăm ca bệnh tai biến mù mắt sau tiêm filler tại các cơ sở không dược cấp phép. Những ca cứu được, có thể nhìn thấy ánh sáng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”, còn hồi phục thị lực, đọc viết được thì trước nay chỉ có 4 bệnh nhân.
Việc tiêm các chất làm đầy phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, có chuyên môn phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ biết được vị trí giải phẫu của các mạch máu và hệ thần kinh nên khi tiêm sẽ tránh được việc làm tổn thương các thành phần quan trọng này.
Đinh Kim (T/h)