Thị trường bất động sản gần đây đã có tín hiệu khả quan khi ghi nhận nhiều dự án giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại.
Thị trường bất động sản gần đây đã có chuyển biến tốt hơn, nhà đầu tư bắt đầu lên kế hoạch cho những đợt săn hàng tập trung vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý hoàn thiện và có thể khai thác kinh doanh ngay.
Theo báo Thanh niên, tại Hà Nội, theo đơn vị nghiên cứu thị trường của One Mount Group, trong quý I/2023, nguồn cung sơ cấp căn hộ chung cư ở Hà Nội đạt 760 căn. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ở thị trường sơ cấp quý I là 1.800 căn; khoảng 57% người mua với mục đích để ở.
Số lượng nguồn cung và lượng tiêu thụ chủ yếu đến từ phía đông và phía tây Hà Nội. Số lượng căn hộ tiêu thụ sơ cấp cao hơn số lượng nguồn cung sơ cấp không chỉ thể hiện quỹ căn mới ra có tỷ lệ hấp thụ cao, mà lượng hàng còn lại của các quý trước cũng được tiêu thụ trong quý này.
Các dự án tạo nguồn cung chung cư chủ yếu tập trung ở gần một số tuyến đường như Vành đai 3 và Vành đai 3,5 với gần 43% đến từ các quận phía tây Hà Nội và khoảng 45% đến từ các quận phía đông Hà Nội. Dự án trong các đại đô thị như Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City đóng góp gần 60% nguồn cung cả thị trường, chiếm hơn 50% giao dịch căn hộ trung và cao cấp toàn thị trường, với khoảng 700 căn hộ được bán ra trong vòng 1 tháng qua.
Tại khu nam và khu trung tâm Hà Nội, các chủ đầu tư đẩy mạnh bán nốt quỹ hàng đã mở bán trước đó thay vì ra hàng mới. Trong quý I, tại khu vực phía đông Hà Nội và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) ghi nhận lượng căn hộ chung cư mở bán và tiêu thụ đạt lần lượt gần 40 căn và 330 căn chung cư tại các đại đô thị Ocean Park.
Bên cạnh các dự án thương mại, các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội lại ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Trao đổi với Tạp chí Tri thức trực tuyến, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản, cho biết: “Một dự án nhà ở xã hội ở đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới chỉ mở bán mấy trăm căn. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã nhận về lượng hồ sơ lên tới cả chục nghìn đơn”.
Còn tại TP.HCM, anh Nguyễn Văn Đức, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ với báo Đầu tư, sau nửa năm quan sát, anh và nhóm bạn đầu tư chung đã bắt đầu đi tìm hiểu, mua đất nền ven Thành phố hoặc gần các khu công nghiệp. Sau giai đoạn gần như đóng băng, một số chủ đất “ngộp” tài chính đã chấp nhận giảm giá sâu để thoát hàng.
“Mức giá hiện giảm 20 - 30% so với đầu năm ngoái. Nhưng giá giảm không phải là điều quan trọng nhất, mà phải xem xét kỹ về pháp lý dự án, bởi nhiều dự án rẻ vì pháp lý chưa hoàn chỉnh, có khi phải chờ rất lâu, gây rủi ro lớn”, anh Đức nói.
Nhà đầu tư này cũng tiết lộ, cuối năm 2022, khi nhận thấy thanh khoản thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại, trong khi nhu cầu ở vẫn rất lớn, ngay lập tức anh mua đất xây phòng trọ cho công nhân ở Bình Dương. Khi thị trường khó khăn, đất nền dự án khó bán, thì nhà trọ vẫn đem về dòng tiền đều đặn.
Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần hồi phục và đây cũng được xem là yếu tố quan trọng để vực dậy thanh khoản của thị trường.
Theo các chuyên gia, các chính sách của Nhà nước đối với thị trường địa ốc cũng đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính đặc biệt đánh giá Nghị định 08 đã giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có thêm cơ hội để đàm phán, giải quyết vấn đề, thay vì những cuộc kiện cáo và đi đến kết cục phá sản. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vấn đề cốt lõi của thị trường là tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn cung.
Ngoài ra, ông cũng đánh giá Nghị định 10 sẽ giúp vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi Nhà nước sẽ chứng nhận quyền sở hữu công trình đối với người mua. Động thái này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Cũng theo ông Đính, những tháng đầu năm 2023, dòng tiền đầu tư đã dần quay trở lại khi yếu tố tâm lý được phục hồi, trạng thái dè dặt, nghe ngóng không còn nhiều. Tuy nhiên, sau "cơn bão", hướng đi của dòng tiền nay đã khác. Đầu tư theo đám đông, lướt sóng ngắn hạn, sử dụng đòn bẩy tài chính cao… đã dần bị loại bỏ. Theo đó, dòng tiền đang chảy vào phân khúc sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực và có khả năng gia tăng giá trị trong dài hạn với sự thận trọng cần thiết, ít có đầu cơ.
Hiện tại, thị trường đã bắt đầu đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ vĩ mô liên quan đến nguồn vốn tín dụng và pháp lý thông qua Nghị định 08/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Sau thời điểm ổn định về các chính sách, việc cơ cấu nợ, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước về xử lý trái phiếu bắt đầu vào guồng, sẽ từng bước tháo gỡ áp lực cho thị trường.
Vân Anh (T/h)