Nỗ lực của đại gia bất động sản Trung Quốc sau vụ vỡ nợ gây chấn động

Chiến dịch siết chặt của Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản đã nhấn chìm các doanh nghiệp lớn tại nước này, từ Evergrande đến Sunac và bây giờ là Shimao.

Nhà phát triển Shimao Group mới đây đã bị đưa vào danh sách các công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ đồng USD. Trong một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hồng Kông, Shimao cho biết không thanh toán được khoản nợ hơn 1,02 tỷ USD cả tiền gốc và tiền lãi với trái phiếu đáo hạn vào ngày 3/7.

Nỗ lực của Shimao

Tập đoàn Shimao, đặt trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, thông báo họ đã thuê các cố vấn tài chính và pháp lý để đánh giá cấu trúc vốn và tìm kiếm các giải pháp.

“Công ty sẽ tiếp tục tích cực tham gia với các chủ nợ của mình, tìm kiếm giải pháp tối ưu để có thể giải quyết với các chủ nợ một cách công bằng đồng thời bảo vệ lợi ích của các bên liên quan”, Chủ tịch Jason Hui của Shimao cho biết trong hồ sơ.

Shimao nhấn mạnh rằng họ đã nhận văn bản thông báo hỗ trợ từ nhiều nhà đầu tư đối với những khoản vay song tệ (dual-currency) của hãng. Ông Hui Wing Mau, người sáng lập Shimao Group, chia sẻ: “Những nhà đầu tư trái phiếu đã bày tỏ sự ủng hộ hãng tiếp tục tìm kiếm khả năng đạt được thỏa thuận và thực hiện tái cơ cấu nợ với các bên liên quan. Họ sẵn sàng làm việc với hãng theo hướng hỗ trợ tiếp tục hoạt động”.

Thế giới - Nỗ lực của đại gia bất động sản Trung Quốc sau vụ vỡ nợ gây chấn động

Phía trước tòa nhà được phát triển bởi Shimao Group Holdings Ltd ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Doanh thu theo hợp đồng của Shimao trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt tổng cộng 34,3 tỷ NDT (5,1 tỷ USD), giảm 72% so với cùng kỳ năm 2021. Nhà phát triển cho biết đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động từ điều kiện thị trường bất lợi và tăng cường thanh khoản. Các nỗ lực của hãng bao gồm đàm phán gia hạn và miễn trừ đối với các khoản tài chính hiện có, thúc đẩy hoạt động bán hàng và xử lý một số tài sản nhất định.

Sau khi chỉ định công ty Admiralty Harbour Capital có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) làm cố vấn tài chính và công ty luật Sidley Austin của Mỹ làm cố vấn pháp lý, Shimao cho biết các chủ nợ nước ngoài của họ có thể liên hệ với Admiralty Harbour để được hỗ trợ.

Tín hiệu chực chờ vỡ nợ

Gần đây, Shimao đã phát đi nhiều tín hiệu đỏ về khả năng xảy ra vụ vỡ nợ. Vào tháng 1, đơn vị xây dựng Shanghai Shimao của tập đoàn đã vỡ nợ với khoản vay dự án 101 triệu USD được bảo lãnh bởi công ty mẹ, tờ South China Morning Post đưa tin.

Shimao Services, một công ty bất động sản trong đó tập đoàn Shimao nắm giữ hơn 63% cổ phần, đã thông báo cho Sở Giao dịch Hồng Kông (HKEX) vào tháng 4 rằng bị công ty kế toán Big Four PwC từ chối làm kiểm toán viên do bất đồng về lịch trình kiểm toán.

Vào tháng 3, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm đối với nợ không đảm bảo của Shimao xuống mức CCC (có khả năng vỡ nợ), sau đó vào tháng 4 nhà phát triển đã ngừng tham gia xếp hạng.

Thị trường bất động sản lao đao

Vụ vỡ nợ của Shimao đã cho thấy tình trạng suy thoái thanh khoản trầm trọng hơn tại thị trường bất động sản kể từ nửa cuối năm 2021, theo hãng tin Mingtiandi. Thông báo vỡ nợ của Shimao được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi nhà phát triển Jingrui Holdings có trụ sở tại Thượng Hải bỏ lỡ khoản thanh toán lãi suất tổng cộng 59,3 triệu USD cho trái phiếu nước ngoài.

Vào thời điểm đó, công ty xây dựng được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn là Greenland Holding đã bị S&P Global Ratings hạ xếp hạng xuống "vỡ nợ có chọn lọc" khi hãng này gia hạn thêm 1 năm đối với trái phiếu trị giá 500 triệu USD đến hạn hôm 25/6. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau S&P đã nâng xếp hạng Greenland lên mức CCC.

Thế giới - Nỗ lực của đại gia bất động sản Trung Quốc sau vụ vỡ nợ gây chấn động (Hình 2).

Những người đi bộ gần khu dân cư Riviera Garden được phát triển bởi Shimao Group Holdings Ltd, ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 8/1/2022. Ảnh: Bloomberg.

Cuộc đàn áp sâu rộng của Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản đã nhấn chìm các nhà phát triển lớn tại nước này như China Evergrande Group và Sunac Group Holdings Ltd.

Chuyên gia phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence nhận định: “Tác động đã lan rộng từ Evergrande đến Sunac và bây giờ là Shimao. Điều đó làm chúng tôi lo ngại rằng phạm vi của cuộc khủng hoảng nợ nằm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ nhà quan sát thị trường nào”.

Bà Ting Meng, chuyên gia tín dụng cấp cao khu vực châu Á tại Ngân hàng ANZ (Trung Quốc) cho rằng thông báo vỡ nợ của Shimao thay vì đề xuất kế hoạch gia hạn “thể hiện tình hình tài chính yếu kém của nhà phát triển trong việc đáp ứng tiến độ thanh toán các khoản nợ, cần thiết có một kế hoạch tái cơ cấu nợ tổng thể”.

Phạm Hà Thanh (theo Mingtiandi, Bloomberg)