Phụ nữ tự bảo vệ mình cũng là một nghệ thuật

Những vụ chồng bạo hành, ngược đãi vợ đang có chiều hướng tăng. Người phụ nữ phải làm gì để tự bảo vệ mình an toàn trước những đe dọa ngay tại chính gia đình riêng?

Bạo lực gia đình vì tàn dư phong kiến và tăng đáng kể do... dịch Covid-19

Trong khi gia đình đáng lẽ phải là nơi an toàn nhất, thì một số người phụ nữ lại gặp phải nguy hiểm về tinh thần, thể xác, thậm chí bị đe dọa về tính mạng.

Trước những vụ việc đau lòng đã xảy ra, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng (Giám đốc trung tâm Tư vấn, trị liệu tâm lý 247) bày tỏ: “Trong thời gian gần đây, ngoài những thông tin diễn biến rất phức tạp về đại dịch Covid-19 thì dấu hiệu bạo lực gia đình cũng có chiều hướng gia tăng và mức độ đáng báo động hơn. Mâu thuẫn gia đình dẫn tới những vụ bạo hành, ngược đãi, thậm chí, tước đoạt tính mạng, mà đa số bị hại là người vợ trong gia đình.

Dù đằng sau câu chuyện đó của mỗi gia đình đều có những mâu thuẫn có thể chưa được sáng tỏ nhưng hành vi bạo lực đối với chính người vợ, người mẹ của các con mình như kẻ thù thì khó có thể chấp nhận được cả về luật pháp và đạo đức”.

chong-giet-vo-1450684084297-wiwd-1629202321.jpg
Bạo lực gia đình ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng trong giai đoạn dịch Covid-19.

Phân tích nguyên nhân xảy ra những vụ bạo lực gia đình, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng chỉ ra: “Mặc dù quyền lợi của người vợ trong mỗi gia đình đã được Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, có nhiều luật pháp bảo vệ, song, vẫn tồn tại nhiều vụ bạo hành. Đó là vấn đề do tàn dư của tư tưởng bất bình đẳng giới rất lâu đời, khiến chúng ta không thể tiến kịp, không thể thực hiện bình đẳng giới một cách nhanh chóng. Nói thế để thấy rằng, tàn dư chế độ khiến xảy ra một thực tế là luật pháp ra đời nhưng chưa áp dụng được một cách triệt để.

Hơn nữa, bản thân người phụ nữ cũng không ý thức được quyền lợi của mình, đặc biệt với những người phụ nữ xuất thân ở nông thôn, miền núi hoặc phụ thuộc về kinh tế, thì càng dễ bị bắt nạt. Rồi phía đàn ông, đặc biệt là những người ở nông thôn hoặc kém hiểu biết, luôn tự cho mình có quyền này quyền kia, áp đặt người phụ nữ...”.

“Bên cạnh đó, trong dịp này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, nên xảy ra nhiều vụ bạo hành hơn. Bản thân một số người đàn ông không được đi uống bia, dạo phố hay đi cà phê xả stress như trước đây thì trong lòng dễ bức bối, nóng giận, không giải tỏa được rồi trút lên vợ con.

Ở Việt Nam thì chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng ở một số nước trên thế giới đã có số liệu minh chứng cho điều này. Thậm chí, một người bạn của tôi đang sinh sống tại Hàn Quốc cũng chia sẻ: Một gia đình hàng xóm vốn chung sống rất ấm êm, hòa thuận, chỉ vì dịch Covid-19, không thể ra ngoài ăn uống và giải tỏa nên đã thường xuyên to tiếng, cãi vã nhau. Hạnh phúc gia đình rõ ràng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch”, bà cho biết thêm.

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cũng cho biết: “Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng nhận được nhiều hơn các cuộc gọi phản ánh bạo lực giữa các cặp đôi tại Hà Nội, có những người phụ nữ bị chồng bạo hành, bị đuổi ra khỏi nhà, nhưng trong giai đoạn này, đến nhà tạm lánh nào cũng vấp phải những yêu cầu khắt khe vì liên quan đến quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Hay như ở Tiền Giang, có trường hợp rất éo le, đó là người phụ nữ bị đánh, khi chạy trốn được thì lại rơi vào khu phong tỏa...

Ngoài ra, thời gian gần đây, chúng tôi cũng tiếp nhận và tư vấn, hỗ trợ cho một trường hợp, không chỉ là bạo lực gia đình mà còn thêm cả yếu tố liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Cụ thể, người chồng không chỉ đánh vợ mà còn bạo lực tình dục với cả con riêng của vợ. Cũng may mắn là nạn nhân được hội Phụ nữ nhanh nhẹn xử lý, tháo gỡ giúp...

Nói như vậy, để thấy được rằng, đã có nhiều vấn đề xảy ra với các gia đình trong thời kỳ Covid, tỉ lệ bạo lực gia đình, bạo lực giới tăng lên rất đáng kể”.

giam-doc-csaga-1629209213.JPG
Giám đốc CSAGA chỉ ra, trong thời kỳ Covid, những vụ bạo lực gia đình, bạo lực giới có chiều hướng tăng và trầm trọng hơn so với trước.

Vị Giám đốc CSAGA cũng chỉ ra: “Trong giai đoạn này, nạn nhân bị bạo lực trong gia đình thường phải chịu gấp đôi, thậm chí gấp ba về sự rủi ro và tổn thương. Ghi nhận này đúng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ở Việt Nam, hầu như các văn phòng hỗ trợ nạn nhân đều tiếp nhận tăng lên khoảng gấp đôi. Đặc biệt, các trường hợp vào ban đêm, các trường hợp rất nặng.

Giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các nạn nhân thường rất ít muốn phiền đến các hệ thống, bởi vì mọi người đều đang “căng mình” chống dịch. Cho nên, thường phải là các trường hợp rất nặng mới liên hệ đến, nhưng đó vẫn là một con số không nhỏ.

Một thực tế là CSAGA phát hiện không ít vụ bạo lực gia đình ở các chung cư cao cấp, ở các thành phố lớn, trước đây cũng có thể có nhưng trong thời điểm này thì có nhiều bằng chứng hơn. Có một đặc trưng của giai đoạn Covid-19 này, là có các phụ nữ nước ngoài lấy chồng Việt Nam, họ gặp các vấn đề liên quan đến văn hóa, pháp luật, ngôn ngữ, nên họ sẽ trở thành nhóm thiểu số tại Việt Nam. Ngoài ra, họ không thể trở về đất nước của mình một cách dễ dàng khi bị bạo lực”.

Liên quan đến những nguyên nhân của các vụ bạo lực có chiều hướng gia tăng trong thời điểm nghỉ dịch, bà Nguyễn Vân Anh lý giải: “Trong lúc giãn cách xã hội, các gia đình thường vấp phải áp lực mất việc làm, áp lực kinh tế, ở nhà với nhau nhiều dẫn đến sự trách móc, dằn vặt… Tất cả những yếu tố có thể dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình nói riêng và bạo lực giới nói chung tăng so với trước đây, thậm chí diễn biến nguy hiểm hơn, trầm trọng hơn.

Khi tiếp nhận các cuộc gọi, chúng tôi trấn an, hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng, nghe câu chuyện và giúp họ bình tĩnh để tự xử lý. Sau đó, chúng tôi liên kết với các nguồn lực khác ở xung quanh như gia đình, họ hàng, các lực lượng chức năng hoặc có trách nhiệm xử lý, tùy thuộc mức độ nguy hiểm của vụ việc để can thiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, chúng ta càng cần phải quan tâm tới việc hỗ trợ những người bị bạo lực về giới, về bạo lực gia đình. Thậm chí, cần phải nâng mức cảnh báo trong giai đoạn này”.

Tránh bạo lực của chồng cũng là nghệ thuật

Đối với những trường hợp bạo hành trong gia đình, thậm chí dẫn đến tử vong, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng: “Để đảm bảo an toàn cho người phụ nữ trong gia đình, chúng ta phải thực thi quyền bình đẳng giới nghiêm minh hơn; các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội Phụ nữ tại địa phương phải phát huy đúng vai trò, không chỉ vận động phụ nữ tham gia hoạt động mà phải bảo vệ hội viên của mình. Đồng thời, các tổ hòa giải trên địa bàn cũng phải thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình các hộ gia đình để kịp thời can thiệp nếu cần thiết. Đây là cả một quá trình đấu tranh lâu dài”.

Cũng theo bà Túy, giải pháp tiếp theo là một số tổ chức xã hội có thể tổ chức tập huấn võ thuật cơ bản hoặc trang bị các kỹ năng tự vệ cho phụ nữ trước những sự uy hiếp của chồng. Khi bị chồng thực hiện hành vi bạo hành, người phụ nữ có đủ khả năng và kỹ năng tự vệ như bịt mắt, khóa tay, đánh vào chỗ hiểm để thoát thân... Hiệu quả từ giải pháp này từng được ghi nhận khi bà còn là Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô: “Hồi đó, chúng tôi tổ chức những lớp dạy võ tự vệ cho phụ nữ. Nhiều khi, chẳng cần phải giơ nắm đấm trực tiếp vào ai, chỉ mới đấm vào bao cát mà chồng đã thấy sợ rồi”.

trao-nham-con-benh-vien-da-khoa-ba-vi-1-1629202254.jpg
Chuyên gia Lê Thị Túy chỉ ra một số giải pháp ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình.

“Và quan trọng nhất, người phụ nữ muốn bảo vệ được bản thân thì trước hết phải tự thay đổi nhận thức, phải giác ngộ. Người phụ nữ phải tự nhận ra giá trị của bản thân, không phụ thuộc vào người chồng, và rũ bỏ suy nghĩ cam chịu, như vậy, mới đảm bảo được quyền lợi.

Đôi khi, trong gia đình, để tránh được hành vi bạo lực của người chồng, cũng là một nghệ thuật của người phụ nữ. Chẳng hạn, khi chồng đang nổi nóng hoặc say xỉn, thì nên kiềm chế, tránh tình trạng “lắm mồm” hay thách thức, không biết lựa tâm lý, sẽ dễ khiến chồng bị kích động và có những hành vi bạo lực. Lúc đó, chỉ có người phụ nữ phải chịu thiệt!”, bà Túy phân tích.

Đồng tình với ý kiến đó, chuyên gia Lê Văn Thắng nhấn mạnh: “Đối với những vụ việc như vậy, pháp luật phải xử lý thật nghiêm, xã hội phải lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, đồng thời, tuyên truyền những tấm gương gia đình hạnh phúc để tạo phong trào thi đua để bảo vệ mái ấm.

z2688545764455-4b9f57a80afd3bd71304a367e55277da-1629202170.jpg
Chuyên gia Lê Văn Thắng cho rằng, để tự bảo vệ mình, người vợ không nên để người chồng “bắt vía” ở giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân.

Bên cạnh đó, để người phụ nữ ngày càng được đối xử công bằng hơn thì bản thân người vợ cũng cần học cách tự lập khi bắt đầu về chung sống. Đồng thời, cũng cần biết mềm mỏng, cứng rắn đúng lúc để đấu tranh, không để người chồng “bắt vía” ở giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân. Người vợ cần tinh tế nhận ra mức độ của mâu thuẫn đang diễn ra. Nếu thấy căng thẳng cần “xuống nước”, tránh mặt sau đó quay lại thảo luận với chồng khi cả hai cùng bình tĩnh.

Nếu mâu thuẫn đến mức có thể bị hành hung thì người phụ nữ cần mạnh mẽ chia sẻ nhờ sự can thiệp của người thân có tiếng nói trong nhà, nếu vẫn không được thì nên thông báo cho chính quyền vào cuộc bảo vệ”.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ chồng bạo hành hoặc giết vợ gây bức xúc dư luận. Mới đây nhất, sáng ngày 14/8, tại xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang), chỉ vì người vợ lấy xe máy đi làm mà hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Bực tức vì nói vợ không nghe, Nguyễn Văn Thảo (SN 1987) đã nhẫn tâm sát hại vợ mình đang mang bầu 4 tháng. Trước đó không lâu, ngày 8/8 tại Sa Pa (Lào Cai), một vụ việc khác cũng khiến dư luận bàng hoàng xót xa. Vào khoảng khoảng 16h, do mâu thuẫn vợ chồng, Lý A Vảng (SN 1994) đã dùng dao đuổi chém vợ, sau đó, Vảng tiếp tục dùng tay bóp cổ khiến người từng đầu ấp tay gối tử vong. Tại Hải Dương, một người chồng bị chính vợ mình tố cáo hành vi dã man khi tự tay chích điện, dìm vợ xuống ao lúc 1h sáng ngày 4/8. Sau khi người vợ cố hết sức hất chồng ra, bò lên bờ, lại bị chồng liên tục dùng gạch đánh vào vùng đầu, vào mặt, gây thương tích rất nặng. Những câu chuyện đau lòng tương tự cũng đã từng xảy ra trước đó...
Theo Giám đốc trung tâm Tư vấn, trị liệu tâm lý 247, hằng năm, trung tâm này tiếp nhận khoảng 1.500 ca về hôn nhân gia đình, thống kê cho thấy 1.125 ca có dấu hiệu bạo lực gia đình về thể chất & tinh thần (chiếm 75%). “Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính: Nhóm người chồng gia trưởng, nóng tính; nhóm vợ chồng ít hoặc không chia sẻ với nhau dẫn tới tự suy diễn khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng; nhóm người chồng ghen tuông, kiểm soát vợ thái quá”.