Tình trạng "nghèo nhất thời" về thu nhập đã tăng do dịch Covid-19

Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao, cải thiện dịch vụ xã hội,... song vẫn gặp nhiều những thách thức lớn.

Thông tin này được công bố vào sáng ngày 28/7 tại Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 diễn ra tại Hà Nội.
Báo cáo do Báo cáo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Các tiêu chí đo lường nghèo bao gồm: tiêu chí về thu thập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong thập kỷ qua, công tác giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường phương pháp nào. Cụ thể, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể từ 18.1% năm 2012 xuống còn 10.9% năm 2016 và 4.4% năm 2020.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ông Hầu A Lềnh tỉ lệ nghèo đa chiều trên toàn quốc đã được giảm trên diện rộng và bền vững hơn tuy nhiên đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn đặc biệt khó khăn.

Mặc dù có tỉ lệ che phủ rừng và tiềm năng phát triển lớn, nhưng vì địa hình chia cắt, trình độ phát triển khác nhau cả về nhận thức và phương pháp tiếp cận, nhưng chưa thể sử dụng nguồn lực để phát triển thế mạnh của từng vùng.

Ngoài ra, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đại dịch Covid-19 là hai nguyên nhân chủ yếu khiến nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam gặp khó khăn.

Từ đó, ông Hầu A Lềnh kỳ vọng Báo cáo “Nghèo đa chiều Việt Nam 2021” sẽ chỉ ra được những tồn tại căn bản, các nguyên nhân chính của Nghèo đa chiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Việt Nam, từ đó đề xuất ra các phương hướng, biện pháp, công cụ hữu hiệu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành liên quan và các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện thành công Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, chính sách dân tộc khác.

Sự kiện - Tình trạng 'nghèo nhất thời' về thu nhập đã tăng do dịch Covid-19

Ông Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi lễ

Cũng trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ: “Báo cáo cung cấp những phân tích chi tiết về việc làm năng suất, dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho mọi người và đây được coi như giải pháp hữu hiệu để duy trì thành tựu giảm nghèo đa chiều và đổi mới hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, khuyến nghị duy trì tốc độ giảm nghèo nhanh ở mọi khía cạnh và mọi nơi trong đó có các giải pháp hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới”.

Báo cáo cũng chỉ ra thành tựu đáng kể trong công tác giảm nghèo bền vững ở Việt Nam, theo đó 10 người thì có một người nghèo về thu nhập trong năm 2014, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong giai đoạn trước đại dịch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch Thứ nhất, Hội đồng Tư vấn Kinh tế - Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam khi trình bày kết quả của báo cáo đã thừa nhận, mặc dù có những tiến bộ đáng kể về tổng thể, tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng vẫn là những thách thức đáng kể.

Cụ thể tình trạng nghèo nhất thời về thu nhập đã tăng đáng kể trong giai đoạn đại dịch Covid-19; tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm trên diện rộng nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, …

Từ đó, Bà Kanni Wignaraja Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, Trợ lý Tổng Giám đốc UNDP, Giám đốc Văn phòng UNDP Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra năm khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh bao gồm: Đầu tư và chính sách; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; mở rộng bảo trợ xã hội; mở rộng việc sử dụng số hóa; thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công.

Cùng với đó, báo cáo đưa ra ba kênh giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững bao gồm: Thúc đẩy việc làm có năng suất cho mọi người; tăng cường năng lực thông qua tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin; tăng cường sức chống chịu trước cú sốc thông qua mở rộng và củng cố hệ thống an sinh xã hội.