Nhiều người vẫn giữ lối suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con", nghĩa là cha mẹ vất vả nuôi con cái trưởng thành thì khi về già, con cái phải đảm đương kinh tế chính trong gia đình và chăm sóc, báo hiếu cha mẹ.
Tất nhiên việc con cái phải giữ chữ “hiếu” với cha mẹ không có gì phải bàn cãi. Hơn nữa trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ đã được quy định trong pháp luật, ai vi phạm, pháp luật sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng mỗi người nên tự xây dựng kế hoạch cho tuổi già của mình, đừng trút gánh nặng lên các thế hệ tương lai.
Tôi có quan điểm rất đơn giản. Khi còn trẻ thì giữ lối sống cân bằng, lao động, ăn tiêu vừa đủ, không phung phí và phải tích lũy, chuẩn bị các hợp đồng bảo hiểm cho bản thân, mỗi năm dành ra một ít để làm từ thiện. Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn lao động với công việc vừa sức mình.
"Nhàn cư vi bất thiện", cho dù có đến tuổi gần đất xa trời nếu còn sức khỏe và năng lực thì tôi vẫn cứ làm việc. Càng vận động đầu óc càng minh mẫn, cơ thể càng dẻo dai tuần hoàn, vừa tốt cho mình, vừa đỡ cho con cháu, lại cống hiến cho xã hội. Vậy nên đừng nghĩ mình đã "nhắm mắt xuôi tay" khi vẫn còn hơi thở.
Thậm chí, tôi từng nghĩ sau này nghỉ hưu mình sẽ đi bán vé số, nhặt ve chai hay rửa chén thuê cũng không sao, miễn là công việc chân chính. Người già làm việc còn để tăng khoản tiền tích lũy phòng thân, tự chủ tài chính. Bên cạnh đó nên khuyến khích con tự lập sớm, đừng ôm đồm quá nhiều, đừng tự coi lo việc nhà cửa cho con là trách nhiệm của cha mẹ.
Bố mẹ và con cái đừng quá phụ thuộc, can thiệp sâu vào cuộc sống của nhau thì sẽ tránh được xung đột. Lúc về già, con cái lo cho thì tốt, nếu không thì còn có tiền tìm cách xoay xở. Nói chung là luôn phải chuẩn bị một hành trang, một tâm thế tốt để đón nhận mọi điều có thể xảy đến ngay từ bây giờ. Đừng sống phụ thuộc vào ai hay bám víu vào con cháu khi chúng ta sang tuổi xế chiều.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
M.T - Theo Người Đưa Tin Pháp Luật