Độc lập ngay từ khi còn nhỏ
Thông thường, phụ nữ ở Pháp thường trở lại làm việc 10 tuần sau sinh. Bởi nếu họ ở nhà lâu hơn, gánh nặng kinh tế sẽ rất lớn dù họ được trợ cấp xã hội. Vì vậy, khi mẹ kết thúc kỳ nghỉ thai sản, đứa trẻ sẽ được đưa đến nhà trẻ. Ngay từ nhỏ, trẻ con Pháp đã được tiếp xúc với rất nhiều người mới. Điều này giúp đứa bé thích nghi nhanh hơn và độc lập hơn trong cuộc sống.
Trẻ được phép làm những chuyện khó khăn một mình
"Con đã làm được rồi!" là một câu ưa thích dành cho mỗi đứa trẻ ở Pháp vào những năm đầu khi trẻ đang khám phá thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, cha mẹ đang vô tình ngăn cản sự phát triển tích cực của trẻ bằng cách làm mọi thứ cho chúng. Người Pháp làm hoàn toàn ngược lại với triết lý đó, họ đối xử với trẻ em giống như người lớn và cố gắng huấn luyện chúng chứ không giúp chúng làm hết mọi việc. Người Pháp tin rằng, trẻ em cảm thấy tự tin khi chúng có thể tự làm việc và làm những điều tốt đẹp.
Trẻ rất ít khi được khen ngợi
Không ít cha mẹ cho rằng, khen ngợi liên tục sẽ giúp trẻ cảm thấy được động viên, chia sẻ và có ý thức phấn đấu. Khen ngợi con là đúng nhưng nếu sai về tần suất có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.
Cha mẹ Pháp không tiếc lời khen ngợi con nhưng tần suất rất ít. Họ chỉ khen ngợi khi con thực sự làm được một việc khó khăn mà không ai có thể làm được hoặc con đã vượt qua rào cản của bản thân để thực hiện. Ví dụ, họ không bao giờ khen ngợi khi trẻ biết nói, chỉ khen khi con nói những từ khó hoặc ý nghĩa.
Việc khen ngợi thường xuyên có thể khiến trẻ nảy sinh cảm giác tự mãn, nhưng nếu khen ngợi đúng nơi, đúng chốn, trẻ sẽ thực sự cảm thấy tự hào và trân trọng những nỗ lực của mình.
Ngủ riêng
Ở Pháp, trẻ em được huấn luyện ngủ riêng từ rất sớm. Chúng sẽ ngủ trên giường của mình ở trong phòng ngủ riêng. Nếu một đứa trẻ thức dậy trong đêm và bắt đầu khóc, người mẹ thường đợi trong giây lát để đánh giá tình hình và chỉ xuất hiện khi cảm thấy thực sự cần thiết. Việc làm này giúp đứa trẻ hình thành thói quen ngủ rự lập.
Trẻ học cách chịu đựng
Những trải nghiệm đau đớn là cơ hội học tập tốt nhất, việc cố gắng che chở cho trẻ khỏi cuộc sống này sẽ chỉ trì hoãn hoặc thậm chí cản trở sự phát triển cảm xúc của chúng. Khi trẻ bị đau, đừng nói "mẹ xin lỗi". Những mũi tiêm và trải qua cơn đau là một phần của cuộc sống, không có lý do gì để cha mẹ phải xin lỗi vì điều đó. Hãy để cho trẻ có cơ hội trải qua một cơn đau nhỏ, thay vì cố gắng để ngăn ngừa đau đớn, bạn nên dành thời gian quý giá đó dạy chúng làm thế nào để đối phó với cơn đau. Qua đó, chúng sẽ trưởng thành, học cách phục hồi và giải quyết vấn đề tốt.
Tôn trọng thời gian cá nhân
Với người Pháp, trẻ em và cha mẹ là hai nhóm độc lập, có thói quen, tư duy hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, con cái không phải là tất cả của cha mẹ và ngược lại mỗi cá nhân đều có cộng đồng riêng, phải học cách hòa nhập và sinh hoạt trong cộng đồng của mình.
Cha mẹ Pháp ủng hộ con dành thời gian riêng cho bản thân và trẻ em Pháp cũng được dạy không được làm phiền cha mẹ vào thời gian riêng của họ. Ví dụ, buổi tối, trẻ em sẽ phải tự chơi một mình nếu cha mẹ bận xử lý công việc hoặc buổi sáng trẻ phải tự ăn trong khi cha mẹ chuẩn bị đi làm. Cha mẹ Pháp để con xây dựng tính độc lập, kỷ luật và hạn chế tối đa việc kiểm soát.
Ông bà không phải là người nuôi dạy trẻ
Ở Việt Nam, ông bà thường đảm nhiệm luôn vai trò nuôi dạy cháu. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến việc giáo dục tính cách cho trẻ cũng như tăng gánh nặng cho ông bà. Trong khi đó, ở Pháp, ông bà chỉ là những người hỗ trợ nuôi dạy bọn trẻ mà thôi. Bạn có thể thấy người già uống cà phê hoặc rượu vang trong nhà hàng thường xuyên hơn là chăm sóc cháu.
Trẻ được dạy cách cư xử lịch sự
Không giống như nhiều nước châu Âu và Mỹ coi mọi người bình đẳng và trẻ em có thể không chào hỏi mọi người, ở Pháp trẻ luôn được nhắc nhở phải cư xử lịch sự. Trẻ phải chào hỏi người quen khi gặp mặt, nắm rõ quy tắc ứng xử kính trên nhường dưới và tôn trọng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Việc chào hỏi đối với trẻ em Pháp là vô cùng quan trọng. Khi tiếp xúc với một nhóm, trẻ vẫn phải đứng lên chào to, dõng dạc để khẳng định sự hiện diện của bản thân, từ đó góp phần xây dựng khả năng tự tin, kết nối với cộng đồng.
Không giáo dục sớm
Việc dạy chữ sớm dường như xa lạ ở Pháp. Đa số trẻ em ở đây khi lên 5 tuổi vẫn chưa biết đọc và bố mẹ thấy điều này hoàn toàn bình thường. Thay vào đó, những phụ huynh Pháp cho rằng, tuổi thơ là khoảng thời gian tuyệt vời khi trẻ học cách mơ ước, khám phá thế giới, học phép lịch sự và có trách nhiệm. Đến khi chúng 6 tuổi, chúng sẽ học cách đọc và đếm.
Chấp nhận bị từ chối
Bạn đã bao giờ đứng trước tình huống con đòi mua một món đồ chơi, bạn nói "không" và chúng làm mọi cách để có được món đồ chơi đó, và rồi bạn đành nhượng bộ, mua cho chúng? Trường hợp này không ít cha mẹ mắc phải. Từ những ngày đầu phụ huynh không cương quyết, trẻ càng dễ lấn tới và dần dần nhận ra rằng càng hành động quá khích càng dễ có được đồ mình thích.
Cha mẹ Pháp không dạy con như vậy. Từ khi con còn nhỏ, họ cương quyết nói không với những yêu cầu của chúng. Thời gian đầu, trẻ sẽ khóc to, giận dữ nhưng cha mẹ không hề nhân nhượng.
Trải qua những lần đòi hỏi thất bại, trẻ hiểu rằng khóc to đòi mua đồ là vô nghĩa, khi cha mẹ nói không thì không thể suy chuyển được. Dần dần, trẻ học cách chấp nhận việc bị từ chối mà không lời than vãn. Thói quen này giúp trẻ trưởng thành trong khiêm tốn, bình ổn, hiểu rằng thế giới không xoay quanh mình, mọi người hoàn toàn có thể phớt lờ, từ chối những yêu cầu của chúng.