Xuất khẩu mực, bạch tuộc đắt khách tại Hàn Quốc và Trung Quốc

Với đà tăng trưởng dương, các chuyên gia VASEP dự báo, quý cuối năm xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn.

Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam tính tới 15/10/2023 đạt hơn 504 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong quý III năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đã ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng 8 và 9. Dự kiến, trong quý cuối năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang 2 thị trường này vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn so với thời điểm trước đó.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt hơn 173 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,4% tổng giá trị xuất khẩu.

1-1699600957.png
 

Theo VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng trưởng dương trở lại trong tháng 8 và 9 là do Hàn Quốc tăng nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong khi thị trường này giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Nhật Bản, Trung Quốc.

Bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm nay, chiếm tỉ trọng 71,8%, mực chiếm 28,2%. Trong đó nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc. Bạch tuộc chế biến ghi nhận kết quả xuất khẩu tốt với mức tăng trưởng tốt nhất 36% trong 3 quý đầu năm 2023.

Các chuyên gia VASEP đánh giá, vụ xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản có tác động, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hải sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản. Hàn Quốc không ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản nhưng tăng cường kiểm tra hàng từ Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho Hàn Quốc. Lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của Trung Quốc, cũng khiến nguồn cung mực, bạch tuộc từ Trung Quốc cho các thị trường như Hàn Quốc giảm sút do thiếu hụt nguyên liệu chế biến.

VASEP cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2023, chiếm tỉ trọng 10,2%. xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 51 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Trung Quốc trong quý III/2023 đạt 24 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Sau 2 quý đi lùi, đến quý 3, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương 11%.

Xu hướng thị trường - Xuất khẩu mực, bạch tuộc đắt khách tại Hàn Quốc và Trung Quốc

Theo các chuyên gia VASEP, lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Nhật Bản sau vụ xả nước thải hạt nhân đã khiến quốc gia này tăng nhập hàng từ các nguồn khác trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia VASEP, lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Nhật Bản sau vụ xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản, đã khiến Trung Quốc tăng nhập hàng từ các nguồn khác trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc ở Trung Quốc tăng trong giai đoạn quý 3 để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Trung thu và Quốc khánh tại nước này.

VASEP nhấn mạnh, các sản phẩm mực tiếp tục là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 87%, bạch tuộc chỉ chiếm 13% tổng xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu sang thị trường này. 

9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu bạch tuộc sang Trung Quốc tăng trưởng tốt 77% trong khi xuất khẩu mực giảm 18%. Giá trị xuất khẩu bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất 103%, xuất khẩu bạch tuộc chế biến tăng 16%. Giá trị xuất khẩu mực sống/tươi/đông lạnh cũng tăng 23% trong khi xuất khẩu mực chế biến và mực khô, nướng đều giảm 24%.