Phiến đá oán hờn ở chùa Thập Tháp. Ảnh: Báo Công an nhân dân
Tuy nhiên, sau khi được đưa về chùa, các câu chuyện lạ quanh hòn đá chém vẫn tiếp diễn. Theo lời cao tăng Phước Huệ, ban đầu phiến đá được đặt cạnh cây cổ thụ gần tường bao của chùa, sau này mới được chuyển về vị trí hiện tại.
Có những câu chuyện rõ là hoang đường nhưng vẫn ám ảnh các nhà sư đến tận bây giờ. Một trong số đó là câu chuyện đồn rằng trong đêm đầu tiên chuyển hòn đá vào trong chùa, sư Phước Huệ đang ngủ thì thấy có một vị mặc trang phục võ tướng hiện hình nói rằng: “Ông ỷ mình là đệ tử của Phật nên phá nhà tôi hả?”. Nhà sư hét to một tiếng khiến tất cả sư đệ trong chùa đều nghe thấy.
Một góc chùa Thập Tháp. Ảnh: Báo VTC News
Đệ tử của sư Phước Huệ là nhà sư Mật Hạnh (một vị trụ trì của chùa trước đây) thì kể rằng lúc 20 tuổi, vào những đêm mùa đông, trong tiết trời âm u, nhà sư thấy một phụ nữ thường xuyên bước ra từ phiến đá. Cho đến những năm gần đây, các nhà sư trong chùa Thập Tháp và các vùng lân cận vẫn tập trung lại để hồi hướng cho những oan hồn ám vào hòn đá sớm siêu thoát.
Theo lời nhà sư Thích Nhật Trường đã tu 22 năm tại đây cho biết, hiện có nhiều nhà nghiên cứu đã về đây để tìm hiểu về câu chuyện lịch sử liên quan đến khối bạch thạch này. Bản thân những gì liên quan đến phiến đá chính là lí do của sự linh thiêng.
Chú tiểu tên Hoàng, 19 tuổi, pháp danh Nhất Huy, quê ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định, sống ở chùa hơn chục năm qua, trong câu chuyện của mình, cũng khẳng định từ nhỏ chú đã nghe nói về sự linh thiêng này.
Thường được chứng kiến các ngài (nhà sư) trong chùa và các vùng lân cận tập trung lại để hồi hướng cho hòn đá sớm siêu thoát đi, chú nhớ lại câu chuyện mà các sư huynh kể lại về những đêm nhà chùa tổ chức cúng hành binh, hành khiển hằng năm vào lúc nửa đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng ngày mùng 1 tết Nguyên đán trước đây.
Khi ấy nhà sư Mật Hạnh còn nhỏ, chỉ được đứng hầu sư phụ và các sư thúc lên đàn. Bàn thờ cúng được trần thiết ngay chính điện, nơi đặt phiến đá chém bên dưới. Trong mỗi lần cúng, đến khi đổ 3 hồi trống chiến là tự nhiên có một dải lụa trắng, tỏa ra ánh hào quang sáng rực xuất hiện bay lượn ngang chính điện một lần rồi biến mất!
Có thể nói, hòn đá chém của chùa Thập Tháp giống như một biểu tượng của sự ai oán, thù hận trong một thời kỳ lịch sử loạn lạc mà con người thời nay muốn hóa giải.
Theo Hạnh Vũ/VietQ.vn