Biến thể Omicron có thời gian ủ bệnh là bao lâu?

Theo WHO, đã có những bằng chứng cho thấy biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn so với Delta. Vậy bao lâu thì chủng virus này sẽ khiến một người phát bệnh?

Khoảng thời gian tính từ lúc tiếp xúc với nguồn bệnh cho tới khi bộc lộ triệu chứng được gọi là thời gian ủ bệnh. Theo nghiên cứu, sau khi xâm nhập vào cơ thể, các loại virus thường tồn tại trong khoảng 5 hoặc 6 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được Nam Phi báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021. Hiện thế giới mới trải qua vài tuần trong cuộc chiến chống lại biến thể Omicron. Bởi vậy, không dễ dàng thu thập dữ liệu về thời gian ủ bệnh, có thể khác nhau tùy theo các cộng đồng.

Tuy nhiên, theo một số thống kê ban đầu, khoảng thời gian này ở Omicron ngắn hơn so với các chủng virus SARS-CoV-2 khác.

Đối với chủng gốc là 7-14 ngày, biến thể Alpha là 5 ngày, Delta là 4 ngày thì Omicron, biến thể mới đang gây lo ngại, có thời gian ủ bệnh trung bình 3 ngày. Omicron dường như thể hiện khả năng nhân bản nhanh hơn so với các biến thể khác.

Đây là một tin vô cùng xấu, vì thời gian ủ bệnh đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các biến thể SARS-CoV-2 truyền nhiễm. Trong tất cả các khả năng, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì khả năng lây nhiễm càng nhanh, bùng phát càng nhanh.

Theo nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), thời gian ủ bệnh ngắn khiến virus khó kiểm soát hơn rất nhiều. Nhà vi sinh lâm sàng Omai Garner từ Hệ thống Y tế UCLA cho hay, nếu Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách nó được kiểm tra và xử lý.

Tuy nhiên, theo WHO, ở một số trường hợp, có thể mất nhiều thời gian hơn để các triệu chứng biểu hiện, lên đến 14 ngày. Một số nghiên cứu còn ghi nhận lượng lớn người mắc không có triệu chứng.

Trong khoảng một tháng kể từ khi được phát hiện, biến thể Omicron đã nhanh chóng lan rộng ra hơn 100 nước, trở thành chủng thống trị ở nhiều quốc gia như Nam Phi, Mỹ, Anh, Na Uy. Các nước đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên vì biến thể này.

“Omicron đang lây lan với mức độ chưa từng thấy ở bất cứ biến thể nào trước đó. Chúng tôi lo ngại rằng mọi người cứ nghĩ Omicron là biến thể nhẹ. Chắc chắn giờ đây chúng ta đã học được từ việc đánh giá thấp virus này”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ. Theo ông, ngay cả khi Omicron có thể gây bệnh nhẹ, số ca tăng vọt có thể lại làm quá tải những hệ thống y tế chưa chuẩn bị.