Bộ Tư pháp yêu cầu báo cáo về đấu tranh, trấn áp tội phạm trong các cuộc đấu giá tài sản

Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương báo cáo việc đấu tranh, trấn áp tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là các cuộc đấu giá tài sản công, thông qua các chuyên án, nhất là các băng nhóm tội phạm, thông đồng, dìm giá.

Cụ thể, mới đây, bộ Tư pháp đã có văn bản về việc theo dõi thi hành pháp luật về đấu giá tài sản, gửi đến sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Bộ đề nghị các sở Tư pháp các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Trong đó, văn bản nêu rõ yêu cầu các đơn vị rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đấu giá tài sản và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định Luật Đấu giá tài sản.

Đồng thời, báo cáo các thông tin kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm về tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền (số liệu thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, hủy hoặc kết quả hủy kết quả đấu giá tài sản).

cty-det-long-an-0717-1627986535.jpg
Năm 2020, Thanh tra bộ Tư Pháp đã ban hành Kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác thẩm định, đấu giá tài sản, bàn giao tài sản của công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam đối với tài sản của công ty Dệt Long An.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải báo cáo thông tin về việc hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự các cuộc đấu giá, nhất là các cuộc đấu giá tài sản công có giá trị lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Việc đấu tranh, trấn áp tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản thông qua các chuyên án, nhất là các băng nhóm tội phạm, thông đồng, dìm giá trong các cuộc đấu giá.

Ngoài ra, trong văn bản cũng đề cập đến báo cáo về mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người tham gia đấu giá và lựa chọn tổ chức đấu giá.

Từ đó, bộ Tư pháp đề xuất giải pháp chủ yếu và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về đấu giá tài sản.

Các báo cáo này phải được cập nhật về cục Bổ trợ tư pháp (bộ Tư pháp) trước ngày 30/8/2021.

Trước đó, đã có rất nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến đấu giá tài sản gây bức xúc dư luận. Có thể điểm qua một số vụ việc: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng 128 lô đất, hủy bỏ công nhận chủ đầu tư của khu đất mà vợ chồng Đường “Nhuệ” từng rao bán.

Trong một số vụ thi hành án tín dụng, ngân hàng việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án cũng đã và đang vấp phải nhiều khiếu kiện, tố cáo. Điển hình như trường hợp của Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP.Buôn Ma Thuột vào đầu năm 2019, buộc công ty Ấn Độ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi cho Agribank Đắk Lắk tổng cộng hơn 10,5 tỷ đồng, Chi cục THADS này đã tổ chức bán đấu giá tòa nhà 8 tầng của vợ chồng Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Ấn Độ (công ty Ấn Độ) với giá khởi điểm chỉ vẻn vẹn hơn 4,2 tỷ đồng, trong khi tài sản được định giá hơn 7,561 tỷ đồng, khiến dư luận xôn xao.

Hay trường hợp của công ty cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn (Lào Cai). Sau khi không có khả năng chi trả khoản nợ gồm gốc và lãi là 52,4 tỷ đồng cho ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Chi nhánh Lào Cai, tài sản công ty này đã được đem bán phát mại. Kết quả thẩm định giá lần đầu đối với toàn bộ tài sản đấu giá này là 6,5 tỷ đồng - quá thấp so với thẩm định giá do công ty cổ phần định giá và giám định Việt Nam thực hiện theo hợp đồng với ngân hàng vào tháng 11/2019, với giá trên 16 tỷ đồng.

Vụ đấu giá tài sản công ty Cao Cường, Viện KSND Tối cao cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đấu giá của Chi cục THADS quận Tây Hồ. VKSND TP.Hà Nội phát hiện quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên Chi cục THADS quận Tây Hồ, tổ chức bán đấu giá bất động sản rộng 398 m2 ở đường Lạc Long Quân, đấu giá viên và người trúng đấu giá tài sản thi hành án có nhiều vi phạm nghiêm trọng…

Mới đây nhất, thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh cho hay, ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chợ Lớn có nhiều sai phạm nghiêm trọng khi cho công ty Thiên Phú vay khi tình hình tài chính yếu kém, thua lỗ; không có vốn chủ sở hữu; giải ngân khi chưa có quyết định giao đất; nhận thế chấp đất không đủ điều kiện, vi phạm luật đất đai. Đồng thời, có dấu hiệu thông đồng giữa cán bộ ngân hàng và công ty Thiên Phú để rút vốn vay ngân hàng. Thanh tra bộ Tư Pháp cũng kết luận quá trình bán đấu giá khu dân cư Hòa Lân có nhiều sai phạm. Số tiền bán đấu giá chỉ thu về 1.353 tỷ đồng, ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chợ Lớn tự ý cho công ty Kim Oanh là đơn vị trúng đấu giá trả chậm nhiều năm, trái với thông báo và quy chế đấu giá.