Bộ Y tế nhận định: Thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh.

Nam sinh tử vong vì H5N1

Sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh, kể từ năm 2022 trở lại đây, cúm A/H5N1 bất ngờ được phát hiện trở lại trên người ở nước ta.

Đáng chú ý, trường hợp mắc cúm A/H5N1 mới đây là một nam sinh viên 21 tuổi tại Khánh Hòa đã tử vong do bệnh diễn tiến nặng.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Bộ Y tế nhận định: Thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh minh họa

Dân Trí dẫn lời BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus gây H5N1 là một chủng cúm A có độc lực cao, có đến 50% người mắc diễn tiến nặng và tử vong.

"Từ năm 1997, sự bùng phát của virus H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ tháng 12/2003 đến 19/6/2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở Châu Á", BS Thiệu cho hay.

Tại nước ta, từ 2003 đến nay, ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (50,8%).

Bệnh có lây từ người sang người?

BS Thiệu cho biết, chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của virus cúm gia cầm và chúng thường đề kháng với nhiễm virus, có nghĩa là chúng mang virus mà không bị bệnh.

Các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với virus cúm A/H5N1. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch. Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch. 

Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư.

Virus có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.

Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.

Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Bộ Y tế nhận định: Thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người (Hình 2). Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Ảnh minh họa

"Con người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh. 

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây từ người sang người. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại virus có thể biến đổi để lây từ người sang người", BS Thiệu phân tích.

Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm.

Cũng theo chuyên gia này, Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống cúm A/H5N1

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Bộ Y tế nhận định: Thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người (Hình 3). Virus gây H5N1 là một chủng cúm A có độc lực cao, có đến 50% người mắc diễn tiến nặng và tử vong. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Bên cạnh đó, thời điểm này hiện đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết có nhiều thay đổi bất ngờ có lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra nguồn lây, xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; Phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm.

Cùng đó, tăng cường tuyên truyền pháp luật phòng lây nhiễm cúm gia cầm lan sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm chết và những vùng có nguy cơ cao; đồng thời sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện đáp ứng cho địa phương phát triển các biện pháp xử lý ổ dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Bệnh nhân 21 tuổi tử vong do mắc cúm A/H5N1: Bộ Y tế thông tin cụ thể