Cảnh báo 5 hình thức mạo danh ngân hàng để lừa đảo phổ biến nhất hiện nay

Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, các tội phạm tài chính luôn khiến nạn nhân ngỡ ngàng trước các lớp bẫy chúng giăng ra.

Hãy cùng điểm mặt một số hình thức mạo danh ngân hàng mà những kẻ lừa đảo sử dụng để chiếm đoạn thông tin cá nhân và tài khoản của người dùng. Từ đó, bạn hãy rút ra bài học để tự bảo vệ bản thân trước các nhóm tội phạm.

Mạo danh ngân hàng để gửi thông báo về hoạt động bất thường của tài khoản/thẻ

Đây là một trong những hình thức lừa đảo khá phổ biến ở thời điểm hiện tại. Đối tượng sẽ gửi email, tin nhắn, gọi điện để thông báo về bất thường của tài khoản, thẻ. Từ đó, chúng yêu cầu người dùng truy cập vào các đường link giả mạo để kiểm tra. Trên thực tế, các đường link này sẽ thu thập thông tin đăng nhập và cuối cùng là chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của bạn. Do đó, bạn tuyệt đối không được truy cập vào bất cứ đường link lạ nào từ những đối tượng không thể xác thực.

Mạo danh ngân hàng để tư vấn chính sách ưu đãi

Kẻ lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng, cung cấp cho bạn các chính sách ưu đãi và yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, mã CVV thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi. Nếu để lộ các thông tin này, việc bạn bị chiếm đoạt tài khoản và tiền chỉ trong giây lát. Lời khuyên đưa ra là bạn tuyệt đối không cung cấp thông tin nhạy cảm cho bất cứ đối tượng nào không được xác minh.

lua-dao-ngan-hang-1-1712464067.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Mạo danh nhân viên tư vấn tài chính

Kẻ lừa đảo có thể dụ dỗ bạn đăng ký vay vốn với lãi suất thấp, sau đó hướng dẫn bạn truy cập vào một liên kết giả mạo để "đăng nhập". Thực tế, đó là cách họ lấy thông tin đăng nhập của bạn và chiếm đoạt tài khoản của bạn.

Mạo danh nâng cấp ứng dụng

Kẻ lừa đảo có thể tạo ra các ứng dụng giả mạo trên cửa hàng ứng dụng và gửi thông báo yêu cầu bạn nâng cấp ứng dụng ngân hàng qua liên kết giả mạo. Khi bạn cung cấp thông tin đăng nhập hoặc OTP, họ sẽ chiếm đoạt tài khoản của bạn.

Tấn công qua WiFi công cộng

Kẻ lừa đảo có thể tạo ra mạng WiFi giả mạo hoặc lợi dụng mạng WiFi công cộng để thu thập thông tin từ các thiết bị kết nối. Sau đó, họ sẽ gửi các thông báo chứa mã độc hại yêu cầu cập nhật hệ điều hành hoặc ứng dụng, từ đó chiếm đoạt quyền kiểm soát thiết bị của bạn.

Để bảo vệ bản thân, người dùng cần phải cẩn trọng và không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân hoặc đăng nhập vào tài khoản ngân hàng thông qua các liên kết không tin cậy hoặc thông qua các cuộc gọi không xác định nguồn gốc. Hơn nữa, nên sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm diệt virus, cập nhật hệ điều hành và ứng dụng định kỳ, và tránh kết nối vào mạng WiFi công cộng khi giao dịch tài khoản ngân hàng. Việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công lừa đảo mạo danh ngân hàng.

Xem thêm: Nữ luật gia và vụ ly hôn oái oăm “do vợ không đẻ được con trai”

Bảo Linh (t/h)