Cú trượt dài…
Đến giờ xét xử, Trần Anh Tuấn, SN 1984, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và Trần Văn Quân, SN 1987, trú tại Tp.Vinh được cán bộ dẫn giải đến phiên toà. Đôi bàn tay của Tuấn trắng bạc, rung rung khi được cán bộ tháo còng số 8. Đôi bàn tay tài năng đó đáng lẽ ra giờ đang đi chữa bệnh cứu người chứ không phải trong còng số 8 khô khốc như thế này. Nếu Tuấn đủ bản lĩnh, tu dưỡng nghề nghiệp của mình thì không có kết cục thê thảm như ngày hôm nay.
Là con độc nhất trong gia đình nên bố mẹ rất kỳ vọng vào Tuấn. Vì muốn cho con có tương lai sáng, bố mẹ cho Tuấn ăn học đến nơi đến chốn. Với đam mê từ nhỏ, Tuấn theo nghề thầy thuốc. Sau nhiều nỗ lực và phấn đấu, Tuấn được giữ chức vụ bác sỹ trưởng của Trung tâm tiêm chủng Vắc-xin ở Nghệ An. Tuấn có công việc ổn định, vợ trẻ, hai đứa con khôn đó là niềm ao ước của bao nhiêu người. Tuy nhiên, Tuấn không lấy đó làm động lực tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp mà sa ngã vào con đường phạm tội.
Đứng trước bục khai báo Tuấn thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cụ thể, năm 2018 đến đầu năm 2021, Trần Văn Quân là nhân viên cơ sở trông giữ xe tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội đã câu kết Tuấn thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo nhắm vào những người có nhu cầu việc làm tại Nghệ An và Hà Tĩnh.
Quân và Tuấn đã lên kế hoạch hết sức hoàn hảo. Quân là trực tiếp đi tìm người có nhu cầu xin việc vào cơ sở y tế, chuyển việc, chạy trường. Tuấn có nhiệm vụ thuê người làm giả thẻ nhân viên, con dấu tên giả cho Quân với chức danh Phó giám đốc công ty nơi mình làm việc để thực hiện hành vi lừa đảo. Quân đưa ra mức giả cho mỗi nạn nhân phụ thuộc vào trình độ, bằng cấp và nhu cầu việc làm, từ vài chục triệu đến hơn một trăm triệu đồng.
Sau khi tiếp cận và dụ dỗ được các lao động, thống nhất giá cả, Quân sẽ chuyển thông tin về cho Tuấn. Từ thông tin này, Tuấn thuê người làm các bản đánh giá kết quả phỏng vấn, hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động mang tên từng người.
Để các bị hại không nghi ngờ, Quân tổ chức quy trình tuyển dụng như thật. Người đàn ông này thuê một phòng tại Nhà khách công an tỉnh Nghệ An để làm văn phòng và mời người lao động là người Nghệ An đến đây phỏng vấn. Những lao động này sau đó được đưa một bản hợp đồng in sẵn để ký kết và đinh ninh đúng thời hạn sẽ được đi làm.
Cơ quan điều tra xác định, Quân và Tuấn cùng nhau thực hiện 18 hành vi lừa đảo để xin việc làm, xin học tại các trường đại học cho 51 người lao động, học sinh với số tiền chiếm đoạt hơn 3,67 tỷ đồng. Trong đó, Quân đã chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng, Tuấn chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng.
…và cái giá phải trả
Hai bị cáo Tuấn và Quân đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Cả hai thừa nhận không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm nhưng đã bàn bạc, thống nhất với nhau để lừa đảo nhiều người, mục đích để lấy tiền tiêu xài.
Sau khi sự việc bị vỡ lở, Tuấn mới tác động gia đình khắc phục một phần tổn thất cho bị hại. Tại phiên tòa, các bị hại đề nghị 2 bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
Có lẽ lúc này đây, đứng trước bục khai báo và đối mặt nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật Tuấn mới cảm thấy thật sự hối hận. Tại phiên toà, Tuấn gửi lời xin lỗi đến các bị hại và gia đình của mình.
“Vì cuốn theo đồng tiền mà tôi đã đánh mất chính mình, công việc, khiến cho bố mẹ và người thân phải xấu hổ. Bố mẹ đã nuôi dạy, cho tôi ăn học mong muốn tôi trở thành bác sỹ có tài. Đáng ra tôi phải tu dưỡng đạo đức, nghề nghiệp để chữa bệnh, cứu người nhưng vì hám lợi nên đã lừa đảo, gây tổn thất lớn về tiền và tinh thần cho nhiều người. Tôi thành thật xin lỗi các bị hại,…”, Tuấn nghẹn ngào nói.
Phân hóa vai trò của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt Trần Văn Quân 16 năm tù, Trần Anh Tuấn 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, HĐXX còn buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Giá như Tuấn bằng lòng với những gì mình có, phấn đấu tu dưỡng, làm giàu bằng nghề chân chính của mình thì cuộc đời bị cáo đã khác. Lê những bước chân nặng trĩu, Tuấn theo cán bộ dẫn giải về trại giam. Với bản án 10 năm tù, tương lai của Tuấn trở nên mịt mờ hơn bao giờ hết.