Sáng 30/4, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho hay đơn vị này vừa công bố hai bệnh nhân Covid-19 có tình trạng nặng khỏi bệnh. Đó là ông Đ.H. (65 tuổi, ở xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội) và bà P.T.Th. (65 tuổi, trú tại xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương), nhiễm nCoV trong đợt dịch bùng phát tại Hải Dương. Trước đó, hai người này đều được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực hơn 2 tháng.
Trước đó, bệnh nhân H. nhập viện khoa Cấp cứu ngày 1/2. Chỉ hai ngày, ông H. được chuyển điều trị khoa Hồi sức tích cực. Thời điểm này, bệnh nhân đã phải thở máy xâm nhập 7 ngày, tuy nhiên, tình trạng phổi không có xu hướng cải thiện.
Bệnh nhân H. được xác định tổn thương trên 70% phổi, bị tiểu đường, nhiễm thêm vi khuẩn đa kháng. Các bác sĩ lập tức can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) cho người bệnh, mục đích hỗ trợ hô hấp hoàn toàn, chuyển sang chế độ phổi nghỉ. Sau 23 ngày, bệnh nhân dừng can thiệp ECMO, chuyển về thở máy, sau đó cai thở máy, tập hồi phục chức năng.
“Hơn 2 tháng qua, bệnh nhân được theo dõi rất sát sao, trong đó, thời điểm chạy ECMO là những ngày vất vả nhất. Ông có các dấu hiệu rối loạn về điện tim đồ, tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh điện giải và hỗ trợ các thuốc tim mạch, tình trạng đã ổn định trở lại”, bác sĩ Kiên cho hay.
Trong khi đó, bà Th. nhập viện ngày 12/2, được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực ngày 15/2. Khác với ông H., tình trạng suy hô hấp của bà Th. tiến triển rất nhanh dù không có bệnh nền.
Theo bác sĩ Kiên, người bệnh tổn thương lên đến trên 80% diện phổi, phổi xơ rất nhiều, chủ yếu ở vùng ngoại vi lan vào. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở HFNC (máy thở oxy cao dòng).
Do đáp ứng điều trị chậm, bệnh nhân phải thở oxy cao dòng hơn 30 ngày, tình trạng mới có thể ổn định.
Bác sĩ Kiên thông tin, đến nay, ông H. đã có thể sinh hoạt trở lại, được cho về cách ly tại nhà sau khỏi bệnh. Bệnh nhân Th. vẫn cần người hỗ trợ do hô hấp còn yếu, nên chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi thêm.
Ông H. cho biết bản thân lây Covid-19 từ con trai làm ở Nhà máy Z153. Thời điểm mới nhập viện, ông ho rất nhiều, sau đó thấy cơ thể mệt mỏi, lịm dần.
Biết tin được cứu sống sau hơn 1 tháng bất tỉnh nguy kịch, ông H. rất xúc động và biết ơn: “Tôi hạnh phúc lắm, vì có thể trở lại với cuộc sống bình thường, ngày ngày chơi với cháu, đưa cháu đi học. Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều”, ông nói.
Con trai ông H. thì tâm sự, gia đình có 4 người mắc Covid-19, ngoài bố bệnh nặng, những người còn lại từ trước Tết cũng ly tán tại các bệnh viện, khu cách ly một thời gian dài. Ngày bố hoàn toàn bình phục, trở về mới là ngày Tết thực sự với gia đình anh.
Bà Th. thì chia sẻ, bà nhớ mãi lúc bệnh bắt đầu diễn biến nặng, phải thức trắng cả đêm vì các cơn ho hành hạ đau rát nơi lồng ngực. Bà khóc từ đêm tới sáng vì hoang mang, lo lắng tột độ.
Lúc này, bệnh nhân nhận lời động viên của bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực: “Bà đừng nghĩ ngợi gì cả. Chúng cháu sẽ giúp bà, chữa khỏi bệnh cho bà”. Từ đó, bà Th. có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật.
“Tỉnh dậy sau thời gian hôn mê, tôi thấy xung quanh là rất nhiều dây rợ, miệng thì đặt ống thở. Thế nhưng, tôi không sợ hãi. Tôi nghĩ dù bệnh có ra sao, cũng có các bác sĩ ở đây”, bà nhớ lại.
Bà Th. cũng phải đón Tết tại bệnh viện, là cái Tết “đáng nhớ nhất cuộc đời”. Bà rạng rỡ nói, khi hết thời gian theo dõi tại Bệnh viện tỉnh, trở về nhà, việc đầu tiên làm sẽ là thắp nén nhang cho Tổ tiên vì cái Tết vắng nhà.
Tới hết ngày 29/4, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn điều trị 45 bệnh nhân Covid-19.