Khi thanh xuân trôi qua, khi đã cho mình chìm quá lâu vào với những thứ gọi là trách nhiệm, là hi sinh, là sự đảm đang mà đại đa số phụ nữ đều như thế, nào mấy ai nghĩ khác đâu. Ta thật khó mà vứt bỏ vì có quá nhiều vướng mắc.
Khi ta không thể trẻ trung như cô gái mới lớn, không thể mặn mà gợi cảm như những cô gái còn son rỗi, khi ta không có lợi thế duyên dáng yêu kiều hay một khả năng kinh tế đủ mạnh. Sẽ có quá nhiều thứ làm ta phải nghĩ, nghĩ kỹ, nghĩ nhiều trước khi quyết định buông tay.
Liệu chia tay, ta có thể tìm ai thương con mình hơn bố nó?
Liệu con mình sẽ lớn và chịu khổ ra sao trước áp lực của xã hội và những tổn thương tinh thần của nó?
Liệu mình có đủ khả năng nuôi và chăm sóc con một mình?
Liệu bố mẹ mình họ sẽ buồn và xấu hổ thế nào?
Liệu mọi người có cười chê mình?
Liệu mình có tìm lại được hạnh phúc?
Những suy nghĩ, cân nhắc xem cả những sự toan tính.
Nhưng có những điều gì đến sẽ phải đến, khi mà tổn thương lên đỉnh điểm, hoặc lòng tự tôn trỗi dậy thật cao và ta phải ra quyết định. Vài lần lặp lại giả vờ thì có lúc ta phải ký thực sự vào tờ đơn và mọi thứ chấm dứt.
Rồi ta quen dần với việc một mình. Tự chăm sóc con và chăm sóc chính mình. Kể cả khi con ốm, con đau, chỉ có 2 mẹ con trông nhau trong viện. Ta oán trách người bố của con nhưng cũng không hề nhấc máy gọi anh ta biết. Sẽ có lúc ta sợ mình bị ốm, ta sợ mình gặp rủi ro khi con chưa đủ trưởng thành... Cũng lắm khi chạnh lòng thương con vào những dịp cuối tuần hay lễ tết khi bạn bè con đi chơi khắp nơi với đủ đầy cha mẹ.
Và có những lúc ta lang thang với 1 trái tim lạnh và một cái đầu nguội ngắt. Luôn tự nhủ với bản thân dù có khóc thì cũng chả có thể có bụt hiện như trong câu chuyện cổ tích mà hỏi: "Vì sao con khóc?" Để mà kể lể cầu xin trợ giúp. Rồi tự nhủ thời gian chữa lành tất cả và ta vẫn còn có khả năng để sống thật tốt chứ không phải là tồn tại.
Nhưng thực ra, có những nỗi buồn dù nó vẫn hiện hữu thì nó cũng luôn bị nỗi lo toan của cuộc sống chen vào đẩy nó sang. Học phí của con, tiền sinh hoạt phí của gia đình... những lo toan làm ăn khác chiếm hết thời gian để chúng ta không thể mãi buồn chán. Áp lực cuộc sống cũng khiến ta không còn thời gian mà nghĩ ngợi và buồn phiền quá nhiều được nữa.
Sự khác biệt là ta phải nỗ lực nhiều hơn. Một ngày mới đến, là khi ta bắt đầu với nhiều một chút so với quá khứ. Ta dậy sớm hơn, làm việc chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn, tích cực hơn và luôn tính những phương án dự phòng nhiều hơn trước.
Sẽ có những đêm, ta tự trách mình đã không níu giữ cho con đỡ khổ, đỡ thiệt thòi, giữ cho con một mái ấm trong cuộc sống bộn bề này. Và có ngày ta quặn đau khi con trẻ nó phải quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Đôi lúc, ta nghĩ chúng vẫn bé bỏng, thật vô tư và ừ thôi cứ kệ chúng.
Nhưng khi ta biết, con nhận một món quà nhỏ từ bố, chỉ là chiếc balo, nó cũng không dám kể, chỉ âm thầm cất vào tủ vì thấy mẹ không muốn nói bất cứ chuyện gì liên quan đến bố. Và khi về nhà bố, nó mới lôi ra đựng ít đồ chỉ để bố vui vì biết nó cũng đã dùng đến.
Trẻ con chúng vẫn muốn là bố mẹ hài lòng theo cách này hay cách khác. Khi những hờn giận, buồn vui của ta khiến con học cách che giấu cảm xúc của chính mình, và con học được cả cách đối phó để không làm người lớn khó xử. Cứ nghĩ chúng là trẻ con, chúng không biết gì. Thực tế chúng không còn nhỏ. Chúng rất hiểu biết và sâu sắc. Chúng hiểu và ôm vào lòng những tổn thương.
Vì vậy, những nỗ lực lo toan để cuộc sống tốt đẹp hơn, ta phải thêm quan tâm đến phần cảm xúc đó, phải để con sống thực với những điều tốt đẹp của của con và khôn lớn với sự yêu thương của bố mẹ , để nhìn cuộc đời vẫn nồng ấm.
Bản năng chúng ta sẵn sàng bảo vệ những người ta thương yêu một cách vô điều kiện. Vậy nên, ta cần bảo vệ cả sự tử tế, bảo vệ cả tình yêu thương của con dành cho cha mẹ, bảo vệ cả sự bình an của con bằng cách ta chọn đối xử tử tế với nhau thay vì oán giận, trách móc hay chửi mắng. Để con có thể nói về bố, về những đứa em, về những hoạt động trong những ngày con về bên nhà bố.
Vậy thôi, chỉ cần một lý do như vậy, đơn giản nhưng đủ đầy để ta bắt đầu cho một sự buông bỏ và học cách tha thứ cho nhau. Bởi tình yêu của bố mẹ dù không còn tiếng nói chung thì vẫn luôn lo lắng, yêu thương con vô bờ bến. Và cũng bởi chính chúng ta đều cần tha thứ để cùng sống an yên, chọn cho mình hạnh phúc mới.
Nguyễn Liên - Người Đưa Tin