Quả cam có rất nhiều tác dụng nhưng không phải cứ ăn càng nhiều thì càng có lợi. Lưu ý những điều sau để không làm ảnh hướng xấu đến sức khỏe.
Trong suốt mùa dịch chúng ta đều nghe nói rằng ăn nhiều trái cây như cam quýt để tăng cường hệ miễn dịch. Cam là loại trái cây được nhiều người yêu thích nhất. Cam chứa nhiều vitamin C, chúng giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh trong mùa đông và làm dịu cơn khát của bạn trong những ngày hè nóng bức. Chúng cũng chứa chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi stress oxy hóa, chống lại chứng viêm và tăng cường khả năng chống bệnh tật.
Dù giàu dinh dưỡng và có rất nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng một số người đang có những thói quen sai lầm khi ăn cam, quýt khiến cơ thể không những không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn gây tổn hại tới sức khỏe.
Tác dụng phụ của việc ăn quá nhiều cam
Gây chướng bụng, khó tiêu
Nếu một người bắt đầu ăn 4-5 quả cam mỗi ngày, nó có thể dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều chất xơ. Điều này có thể gây khó chịu cho dạ dày, chuột rút, tiêu chảy, đầy hơi và buồn nôn.
Theo báo cáo của Viện Y tế Quốc gia thì việc tiêu thụ chất xơ quá mức có thể gây ra đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu. Ngoài ra, quá nhiều chất xơ cũng ảnh hưởng tới sự hấp thụ sắt, kẽm, canxi và các khoáng chất khác dẫn tới thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Đau bụng và tiêu chảy
Cam nổi tiếng là loại quả giàu vitamin C nên việc ăn quá nhiều cam làm tăng nguy cơ dư thừa vitamin C dẫn tới đau bụng và tiêu chảy.
Đối với người lớn, lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 65 đến 90mg. Hơn 2.000mg vitamin C mỗi ngày có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, nhức đầu và mất ngủ.
Trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng
Bởi vì chúng là một loại thực phẩm có hàm lượng axit cao, cam, quýt có thể góp phần gây ra chứng ợ nóng, đặc biệt là đối với những người đã bị chứng ợ nóng thường xuyên. Những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD, còn được gọi là bệnh trào ngược axit) có thể bị ợ chua hoặc nôn trớ nếu ăn quá nhiều cam.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Neurogastroenterology and Motility vào tháng 7/2017, ăn cam thường xuyên hoặc thỉnh thoảng gây ra các triệu chứng GERD ở hơn một nửa số người mắc bệnh này. Quỹ Quốc tế về Rối loạn Tiêu hóa cũng chỉ ra rằng trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng có thể làm trầm trọng thêm bệnh GERD và nên tránh.
Hơn nữa, theo Hiệp Hội rối loạn Tiêu Hóa quốc tế- International Foundation for Gastrointestinal Disorders) thì những trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng có thể làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dạ dày thực quản. Hiệp hội cũng khuyên rằng bạn nên thay thế cam bằng các loại trái cây khác an toàn hơn như táo, lê, chuối.
Rối loạn sắc tố
Cam có chứa các carotenoid nên việc ăn quá nhiều cam có thể khiến da bạn chuyển sang màu vàng cam tương tự như khi tiêu thụ quá nhiều cà rốt hay các loại thực phẩm khác giàu carotenoid. Carotenoid dễ hòa tan trong chất béo vì thế mà khi bạn ăn quá nhiều, lượng chất này sẽ tích tụ trong các mô mỡ trong cơ thể khiến làn da chuyển màu.
Tuy vậy thì tình trạng này không quá nghiêm trọng như các bệnh gây rối loạn sắc tố khác, chỉ cần bạn ngừng ăn cam lại thì màu da sẽ trở lại bình thường trong vài tháng.
Tăng cân
Nhiều người thường có xu hướng chọn các loại cam có vị ngọt để dễ ăn hơn. Tuy nhiên thói quen này lại vô tình khiến bạn nạp thêm nhiều đường hơn cùng một lúc - lâu dài sẽ dẫn tới tăng cân khi ăn quá nhiều.
Điều này cũng đặc biệt đúng với các sản phẩm chế biến từ cam như mứt cam, siro cam hay nước cam đóng hộp.
Tăng kali
Do hàm lượng kali cao mà các loại trái cây có múi như cam có thể không phù hợp với người đang sử dụng thuốc chẹn beta trong điều trị huyết áp. Thuốc chẹn beta làm tăng nồng độ kali trong cơ thể và ăn quá nhiều cam có thể khiến kali tăng vượt ngưỡng và gây nguy hiểm gọi là tăng kali máu.
Điều này gây ra buồn nôn, suy nhược, mỏi cơ và rối loạn nhịp tim. Trong một vài trường hợp nguy hiểm hơn, tăng kali máu có thể đe dọa tới tính mạng.
Sỏi thận, sỏi tiết niệu
Do lượng vitamin C cao trong cam nên khi ăn quá nhiều vitamin C khiến axit oxalic chuyển hóa trong cơ thể bị tăng cao làm tăng nguy cơ bị sỏi tiết niệu và sỏi thận.
Mòn men răng
Cũng giống như các loại trái cây có múi thì cam cũng có tính axit cao. Lượng axit trong cam sẽ bám trên răng và lảm hỏng lớp men răng.
Lưu ý để ăn cam đúng cách
Không ăn quá nhiều cam mỗi ngày
Ăn quá nhiều cam có thể sẽ dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều vitamin C và tăng acid oxalic chuyển hóa trong cơ thể, điều này sẽ dẫn đến sỏi tiết niệu và sỏi thận. Hơn nữa, ăn quá nhiều cam cũng có hại cho răng và miệng.
Theo các nhà nghiên cứu, tối đa 3 quả cam là đủ để đáp ứng nhu cầu vitamin C của cơ thể mỗi ngày.
Không uống sữa gần với thời gian ăn cam
Trong cam có chứa nhiều axit tartaric và vitamin C có thể phản ứng với các prrotein trong sữa khiến cho chúng bị vón cục trong bụng gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa khiến cho bạn có thể bị chướng bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy.
Bởi vậy, không nên uống sữa gần với thời gian ăn hoặc uống nước cam trong vòng 1 giờ.
Không ăn cam cùng củ cải
Quá trình tiêu hóa củ cải sẽ sinh ra sulfate. Sau khi sulfate được chuyển hóa, nó sẽ sản xuất một chất chống tuyến giáp - thioxianic axit.Còn khi ăn cam, flavonoid có trong cam sẽ được phân hủy trong đường ruột và thay đổi thành axit hydroxy và acid ferulic.
Nếu bạn ăn cam cùng thời điểm ăn củ cải 2 chất trên có trong cam sẽ ức chế axit thioxianic về tuyến giáp gây bướu cổ.
Không ăn cam lúc đói
Các axit hữu cơ có trong cam sẽ kích thích các màng nhày của thành dạ dày nếu dạ dày đang trong tình trạng trống rỗng, điều này sẽ có hại cho sức khỏe cơ thể.
Những người nên hạn chế ăn cam
Những người có hệ tiêu hóa kém; đang bị các bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày; đau dạ dày,... nên hạn chế ăn cam cũng như các loại trái cây có múi khác để tránh gây tăng nặng tình trạng bệnh.
Như Quỳnh (T/h)