Anh mường tượng lại ngày xưa, độ 13 tuổi, khi anh mới cùng mẹ chuyển về đây sinh sống, có cô bé nhà bên ngày ngày nhìn sang, vẫy tay chào anh. Mới đầu, anh còn hờ hững, làm ngơ… nhưng dần dà, nụ cười của em đã dần khỏa lấp những trống vắng mà anh đang phải chịu đựng.
Mình trò chuyện, nói với nhau rất nhiều. Anh nhớ lắm, lời em thủ thỉ: “Em cũng như anh thôi. Bố em vừa cưới vợ mới, nhưng họ không quan tâm đến cảm xúc của em”.
Anh phải làm sao khi em đã rời xa_ ảnh minh họa |
Rồi em kể về ký ức ngày mẹ em rời đi, khi đó bố mẹ không níu kéo, chỉ thở dài rồi xua tay: “Kệ đi”. Cũng từ ngày đó, em rất ghét ai đó thốt lên: “Kệ đi”, sự vô tâm đến não lòng.
Em nói, 2 năm sau ngày mẹ em rời đi, bố và em có tìm đến nhưng mẹ em không về nữa. Mẹ em quả quyết: "Ngày đó anh “kệ đi” nghĩa là anh buông bỏ, không còn muốn chào đón tôi". Và cũng từ ngày đó, mẹ em kiên quyết tuyệt giao với người đàn ông mình đầu gối tay ấp suốt 10 năm.
Mới đây, bố em đã đi bước nữa,… và em lại bắt đầu cuộc sống có thêm thành viên mới trong gia đình.
Nhà anh, bố mẹ anh không “kệ đi” mà xuất phát từ bố anh có người phụ nữ khác. Bố mẹ anh ly hôn chính là sự giải thoát cho mẹ khỏi cuộc sống dối lừa. Anh thương mẹ và muốn ở bên bà, nhưng chỉ thời gian sau mẹ anh đi bước nữa. Hiện tại, anh đang sống cùng gia đình mới của mẹ.
Chúng mình cứ thế lớn lên bên nhau cho tới ngày em ra nước ngoài du học. Thấm thoắt thời gian thoi đưa em gọi điện báo đã về nước. Anh sắp xếp công việc để về Hà Nội gặp em, nhưng chưa gặp đã hay tin em qua đời vì tai nạn. Mọi thứ thật nhanh, anh không tin vào những gì mình nghe thấy.
Chiều thu Hà Nội, lá vàng khẽ rơi, anh nghe đâu đó tiếng em vẫn còn đây: “Mai này, anh hãy sống hạnh phúc và an yên anh nhé”.
Thu Hiền (T/h)
Theo Đời sống và Pháp luật