Tính từ ngày 24/11 (khi Nam Phi lần đầu báo cáo về biến thể Omicron lên Tổ chức Y tế Thế giới WHO) đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 30.163.600 ca mắc mới và hơn 154.750 ca tử vong.
Dù Mỹ chính thức ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vào ngày 1/12, nhưng theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), biến thể này đã có mặt ở Mỹ ít nhất một tuần trước đó.
Để so sánh, tính từ ngày 1/8 đến ngày 31/10 - thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Delta, Mỹ ghi nhận thêm 10.917.590 ca mắc mới COVID-19 và 132.616 ca tử vong.
Như vậy, số ca mắc mới trong làn sóng Omicron cao hơn khoảng 176% so với làn sóng Delta, và số ca tử vong cao hơn khoảng 17%.
Dù triệu chứng nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn nhờ vaccine hay miễn dịch tự nhiên, các bệnh viện Mỹ vẫn chật kín bệnh nhân, thiếu giường bệnh. Nhiều nơi báo cáo tình trạng quá tải, khủng hoảng vì không đủ nhân viên hoặc cơ sở vật chất, thiết bị để điều trị cho mọi bệnh nhân. Họ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn xem nên ưu tiên người bệnh nào.
Một trong các nguyên nhân là do chương trình tiêm chủng của Mỹ đã chững lại so với nhiều quốc gia. Hơn một năm triển khai, Mỹ chỉ tiêm đủ hai liều vaccine cho hơn 60% dân số, tức là còn gần 40% khác vẫn đối mặt với nguy cơ cao. Chỉ 37% được tiêm liều tăng cường.
Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch sau tiêm cũng có thể suy giảm theo thời gian. Các nhà khoa học cho biết kháng thể tự nhiên sau khi nhiễm các biến chủng trước đó sẽ suy yếu sau một thời gian tương đối ngắn.
Nếu miễn dịch chống virus suy yếu, người Mỹ sẽ tiếp tục trải qua các đợt bùng phát đủ lớn để khiến bệnh viện đông đúc trong nhiều năm. Để ngăn chặn tình trạng này, một số chuyên gia đề xuất tiêm chủng thường niên, vào mùa thu đông giống với vaccine cúm.
Ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng vẫn hiện hữu.
Tổng thống Biden tuyên bố số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ hiện tăng lên hơn 900.000 người, cho thấy chính phủ liên bang cần "toàn lực" ứng phó với đại dịch.
Trong bức thư gửi tới chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện Mỹ ngày 18/2, ông Biden khẳng định: "Vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia".