Cú nhảy lầu từ tầng cao 35 xuống sàn sân chung cư giữa đêm vắng của cặp đôi trẻ tuổi ở Hà Nội - chị Nguyễn Hoàng A. (24 tuổi, ở P.Nhân Chính, Q.Cầu Giấy) và anh Nguyễn H. (24 tuổi, ở P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng) mới đây một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng, xót xa cho một thực tế bi đát vẫn tồn tại lâu nay: Người trẻ buông bỏ thanh xuân, giã từ cõi đời chỉ vì bị gia đình cấm cản yêu đương.
Vẫn biết tùy tiện từ bỏ mạng sống của mình là một sự trốn chạy kém khôn ngoan, thậm chí tàn nhẫn với những người thân ở lại, nhưng vào một khoảnh khắc, một giai đoạn yếu đuối nào đó, sự đánh mất lý trí của người trẻ đang trong cơn say tình cũng là điều có thể hiểu. Trách người trẻ một, trách gia đình, những người làm cha làm mẹ mang nặng tư tưởng áp đặt chuyện yêu đương của con cái mười, bởi lẽ họ đã vi phạm quyền tự do hôn nhân, can thiệp quá sâu vào đời sống con mình.
Thử hỏi, nếu không có những lời cay nghiệt chỉ trích người yêu từ phía gia đình và những lời mạt sát khi trót yêu người mà cả gia đình không đồng ý, cặp đôi ở Đắk Nông hẳn không bế tắc đến mức phải chọn cách ôm nhau nằm dưới lòng hồ giữa tuổi đang xanh và tình ngập tràn.
Thử hỏi, nếu nhận được sự giảng giải ôn hòa từ người lớn, chắc hẳn cặp đôi tuổi teen ở Nghệ An không phải tìm đến nơi rừng sâu để kết thúc cuộc đời bằng thứ lá ngón oan nghiệt. Cậu nam sinh ở Huế hẳn cũng không quẫn trí đến mức tìm đến dòng sông Hương để gieo mình và kết thúc cuộc sống nếu mọi cánh cửa đến với mối tình đầu của cậu bị gia đình thô bạo đóng sập lại.
Tự tay kết thúc cuộc sống giữa độ thanh xuân. Còn gì đau lòng hơn?
Tuy nhiên, những trường hợp tự tử vì bị cấm cản yêu đương thực mới chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm của những hệ lụy mà nhiều người trẻ đang phải gánh mang từ chính việc áp đặt chuyện yêu đương, kết hôn của con cái.
Trầm cảm, sống khép mình, sang trấn tâm lý hoặc trở nên thù oán gia đình là những điều từng xảy ra với những người đã một lần bị cha mẹ cấm cản yêu đương. Và trong số rất những trường hợp trai xinh, gái đẹp giỏi giang nhưng vẫn khăng khăng lựa chọn cuộc sống lẻ bóng đơn chiếc hôm nay, có bao người trong số đó đã quyết đóng cửa trái tim, khước từ hạnh phúc chỉ vì mối tình dang dở do gia đình cấm cản.
Áp đặt chuyện yêu đương của con thực ra chính là một biểu hiện của sự thao túng tâm lý độc hại thường gặp ở nhiều cha mẹ Việt với những đứa trẻ của mình.
Trong cuốn sách Thao túng cảm xúc – Làm sao thoát khỏi chiếc bẫy vô hình, tác giả Chou Mu-Tzu cho rằng, sự ràng buộc bởi đạo đức, lễ nghĩa, lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng các bậc bề trên ở các nước châu Á dẫn tới sự xem nhẹ các giá trị cá nhân và thao túng tâm lý diễn ra như một dạng bạo lực mềm.
Việc áp đặt, kiểm soát con hay ngăn cản con yêu đương của cha mẹ có thể đều xuất phát từ tình thương yêu của đấng sinh thành với con mình. Họ tin rằng những kinh nghiệm trường đời của mình sẽ giúp con tránh được việc gửi gắm cả cuộc đời cho một người mà bản thân họ thấy không xứng đáng.
Tuy nhiên, cha mẹ đâu biết rằng, thước đo giá trị của thế hệ mình giờ không hẳn có còn phù hợp với con cái.
Cha mẹ can thiệp quá sâu vào việc trưởng thành của con mình với ước mong con không sai đường lạc lối mà quên mất rằng lũ trẻ chỉ có thể trưởng thành thông qua việc vấp ngã và đứng dậy. Việc cấm cản thô bạo chỉ khiến con nảy sinh tư tưởng phản đối để rồi từ đó làm những điều dại dột, mà tự tử là một điển hình.
Một người con hạnh phúc là người được quyết định cuộc sống của mình và chỉ có quyền tự do hôn nhân mới mang lại hạnh phúc dài lâu.
Đó là lý do không phải ngẫu nhiên bí quyết tuyệt vời của người Do Thái: Cha mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con được nhiều cha mẹ thành công trong việc nuôi con trên thế giới tâm đắc.
Hãy cởi bỏ ngay tư tưởng áp đặt con nếu bạn muốn con mình có một cuộc sống hạnh phúc và trưởng thành thực sự. Và hãy ngừng thao túng cảm xúc của người khác, bởi chính bạn cũng không muốn bị người khác thao túng. .
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.