Nhập học thiếu 1 lớp
Đầu tháng 8/2023, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, UBND Tp.HCM về công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.
Số liệu cập nhật tới cuối tuần trước, toàn thành phố có 71.254 trong tổng số 76.028 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập đã nhập học. Như vậy, các cơ sở còn 4.774 thí sinh chưa đến nộp hồ sơ.
Một số trường có tỷ lệ nộp hồ sơ thấp là: THPT Vĩnh Lộc B (40,63%), Nguyễn Văn Linh (61,6%), Phong Phú (61,92%), Diên Hồng (62,96%), Trung Lập (71,08%), Năng khiếu TDTT Bình Chánh (73,15%), Nguyễn Văn Tăng (74,8%), Ngô Gia Tự (80,25%), Hoàng Hoa Thám (81,84%), An Nhơn Tây (82,55%), Đa Phước (83,72%), Long Trường (86,92%),…
Đáng chú ý, các trường chuyên như THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chỉ đạt tỷ lệ lần lượt là 81,82% và 75,68%.
Ghi nhận của Người Đưa Tin, mỗi năm, các trường THPT tại Tp.HCM có một lượng thí sinh dù đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Con số này ở mức khoảng 40-50% ở một số trường ven thành phố như: THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), THPT Phong Phú, THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh), THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh, THPT Nguyễn Văn Tăng, THPT Long Trường (TP Thủ Đức)…
Ngay cả trường top 5 như Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cũng rơi vào tình cảnh này. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm trường có khoảng 40 em từ chối vào học. Năm nay, con số này đang là 47, tương đương với 1 lớp.
Cũng nằm trong tốp 10 trường THPT có điểm chuẩn lớp 10 hàng năm cao nhất thành phố, năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn “vắng bóng” 19 học sinh trúng tuyển lớp 10 xác nhận không nhập học.
Nhà trường đã điện thoại cho từng phụ huynh học sinh để tìm hiểu lý do, hầu hết đều cho biết cho con thi để thử sức cho biết, còn xác định học tư thục. Sau khi rà soát hồ sơ, nhà trường nhận thấy những trường hợp này trước đó đã học THCS tư thục và bây giờ tiếp tục theo học bậc THPT.
Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu cho hay: “Năm nào trường cũng thống kê ra khoảng vài chục em trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học, đa phần là học sinh các trường tư thục thi tuyển sinh 10 “cho biết” chứ không học. Điều này gây thiệt thòi cho những học sinh khác có nguyện vọng học tập tại trường mà không được, bởi nếu ngay từ đầu những học sinh này không có tâm lý thi thử sức thì đã có 19 học sinh khác được đậu vào trường, có chỗ học”.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 do đặc thù học sinh đi du học nhiều nên mỗi năm, số học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học dao động trên dưới 10 em. Con số này của Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 là 16 học sinh. Còn thống kê của Trường THPT Marie Curie, quận 3 cũng lên đến trên 30 học sinh.
Lãng phí nguồn lực trường học
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân phân tích: “Kinh tế sau dịch COVID-19, người dân vẫn còn gặp khó khăn. Phụ huynh học sinh vẫn luôn mong muốn con em mình được học trường công lập, vừa đỡ gánh nặng về kinh tế, vừa đảm bảo chất lượng, môi trường giáo dục. Đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Hà Nội đã thực hiện tuyển bổ sung nhiều năm nay. Tp.HCM cần nghiên cứu, xem xét đến phương án này để có thêm chỗ học cho học sinh. Nhiều em trúng tuyển không học, trong khi nhiều em khác lại không có cơ hội học tập dù có năng lực, có thể do đặt nguyện vọng chưa phù hợp”.
Để hạn chế học sinh trúng tuyển lớp 10, thậm chí là vào các trường tốp trên mà vẫn bỏ không nhập học, theo ông Phú, về lâu dài cần thay đổi trong cách thức tuyển sinh 10. Có thể thực hiện tuyển sinh thành nhiều đợt, theo trường tốp trên, tốp giữa và tốp dưới. Như vậy quy trình tuyển sinh sẽ chặt chẽ, đảm bảo hơn, tạo cơ hội cho học sinh được học tập nhiều hơn theo đúng năng lực, nguyện vọng của các em.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu tâm tư, việc tuyển bổ sung lớp 10 cho những trường không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là những trường THPT thiếu đến phân nửa chỉ tiêu là điều cần thiết, để những học sinh không có điều kiện học dân lập thì có thêm cơ hội được học trường công lập. Bởi tâm lý phụ huynh luôn mong muốn con mình được học trường công lập, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.
Đánh giá việc này, ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND Tp.HCM nhìn nhận, một số trường xa trung tâm thành phố, tỉ lệ học sinh trúng tuyển so với tỉ lệ học sinh nhập học còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Điều này đã tác động phần nào đến công tác chuẩn bị của nhà trường như cơ sở vật chất, các điều kiện, nhân lực để đảm bảo chỉ tiêu mà Sở GD&ĐT giao.
“Việc tuyển không đủ chỉ tiêu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến trường, như lãng phí về cơ sở vật chất, dôi dư nguồn nhân lực, thu nhập tăng thêm của giáo viên có thể không bằng các trường đảm bảo 100% chỉ tiêu”, ông Bình nhận xét.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Tp.HCM, ban chỉ đạo tuyển sinh của thành phố đã nắm được tình hình các trường vùng ven có thể bị thiếu học sinh. Vì vậy, khi giao chỉ tiêu đã tăng số lượng lên để có thể giảm điểm chuẩn và tạo điều kiện cho các em xung quanh khu vực có điều kiện trúng tuyển vào các trường này. Do đó, thực tế các trường THPT vùng ven về cơ bản vẫn đủ học sinh theo đúng kế hoạch đề ra.
Về đề xuất hạ điểm chuẩn hoặc tuyển bổ sung, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho rằng, điều này sẽ gây xáo trộn cho việc tuyển sinh của toàn thành phố và cũng không thể giải quyết được việc thiếu học sinh ở các quận, huyện vùng ven. Giải pháp căn cơ là từng bước tăng cường tuyên truyền và đề ra một số phương án như ưu tiên khu vực... để hạn chế thiếu chỉ tiêu ở các trường vùng ven.
Theo thống kê tính đến 17h ngày 26/7, Tp.HCM có 28 trường THPT đã đạt 100% tỷ lệ học sinh nộp hồ sơ gồm: THPT Dương Văn Dương, Tây Thạnh, Nguyễn Hữu Cầu, Cần Thạnh, Bình Khánh, Linh Trung, Thủ Đức, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Phan Đăng Lưu, Thanh Đa, Sương Nguyệt Anh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Dương Văn Thì, Phước Long, Tạ Quang Bửu, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thị Diệu, Giồng Ông Tố…
Nhiều trường THPT vùng ven, ngoại thành tỷ lệ nộp hồ sơ đã trên 95% như: THPT Nguyễn Văn Cừ, Tân Thông Hội, Trung Phú, An Nghĩa, Lê Minh Xuân, Tân Túc.
PV