Ngày 25/11, Công an quận Tây Hồ đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội điều tra vụ án mạng xảy ra tại phố Hoàng Hoa Thám.
Nạn nhân được xác định là bà H. (52 tuổi), trú tại quận Tây Hồ (Hà Nội), bán nước tại vỉa hè.
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vụ án mạng trên đường Hoàng Hoa Thám
Thông tin ban đầu, vào khoảng 11h30, tại vỉa hè Hoàng Hoa Thám, phường Thuỵ Khê đã xảy ra vụ án mạng.
Thời điểm trên, bà H. đang ngồi bán nước tại vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám thì bị một đối tượng dùng dao bầu (loại dao chọc tiết lợn) đâm vào vùng cổ.
Ngay sau khi gây án, nghi phạm vứt dao ở gần nạn nhân rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Sự việc xảy ra quá nhanh và bất ngờ khiến những người xung quanh không kịp nhìn rõ hung thủ.
Nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, ngay khi bị đâm, bà H. đổ gục xuống đường. Thấy vậy, một số người đã lấy xe cáng để đẩy nạn nhân đến bệnh viện.
"Hàng ngày, bà H. vẫn bán nước ở đây, trước đó chúng tôi thấy bà H. không có gì bất thường. Do không tiếp xúc nhiều nên không biết được bà H. có mâu thuẫn với ai hay không", nhân chứng cho hay.
Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ.
Dịch COVID-19 hôm nay: Số ca nhiễm và bệnh nhân nặng lại tăng
Về tình hình dịch COVID-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 24-11 đến 16 giờ ngày 25-11, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 574 ca mắc, tăng 85 ca so với hôm qua.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.513.747 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.355 ca nhiễm).
Trong ngày, có 169 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.607.851 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 86 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.170 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Ngày 24-11 có 92.443 liều vắc-xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 263.754.578 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.625.046 liều: Mũi 1 là 71.077.143 liều; Mũi 2 là 68.679.522 liều; Mũi bổ sung là 14.499.791 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.487.621 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 16.880.969 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.680.561 liều: Mũi 1 là 9.123.381 liều; Mũi 2 là 8.930.485 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.626.695 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.448.971 liều: Mũi 1 là 10.057.326 liều; Mũi 2 là 7.391.645 liều.
Thông báo mới nhất của Trường iSchool Nha Trang
Theo thông báo mới nhất của Trường iSchool Nha Trang, qua tham khảo ý kiến bác sĩ và phụ huynh, sau hơn 1 tuần, sức khỏe học sinh bị ngộ độc thực phẩm đã phục hồi, có thể đi học trở lại. Do đó, nhà trường sẽ tổ chức học vào ngày 28-11, học sinh học 1 buổi/ngày dự kiến trong 2 tuần, không tổ chức ăn bán trú.
Ban giám hiệu Trường iSchool Nha Trang cũng thông báo về việc chi trả viện phí cho học sinh. Cụ thể tại Bệnh viện 22-12, nhà trường trực tiếp chi trả viện phí cho bệnh viện, phụ huynh chỉ ký xác nhận với bệnh viện, không đóng tiền. Tại các bệnh viện khác, phụ huynh thanh toán viện phí, lấy hóa đơn gửi về trường hoàn trả.
Đối với trường hợp gia đình đã thanh toán viện phí trước đó thì cung cấp hóa đơn. Trường hợp điều trị tại nhà, phụ huynh gửi hóa đơn, chứng từ liên quan. Trường hợp tái khám cũng gửi hóa đơn, chứng từ về trường.
Trường iSchool Nha Trang sẽ mở cửa trở lại vào ngày 28-11
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện còn 14 học sinh điều trị tại 3 bệnh viện. UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức các đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể trong trường mầm non, tiểu học, trường có tổ chức bán trú, nhất là các trường tư thục, trường quốc tế.
Đồng thời, Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể; không được hợp đồng với các cơ sở chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến, cung cấp thức ăn cho nhà trường. Các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo kiên quyết đình chỉ hoạt động bếp ăn bán trú không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chậm nhất đến đầu học kỳ 2, các trường ở TP.HCM phải thực hiện lùi giờ học
Chia sẻ trong buổi họp báo của UBND TP.HCM chiều ngày 24/11, Chánh văn phòng sở GD&ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh cho biết tính đến hiện tại, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa thực hiện lùi giờ học theo quyết định trước đó. Nguyên nhân được đưa ra là việc thay đổi giờ học sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động, kế hoạch của nhà trường.
“Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, chậm nhất đến đầu học kỳ 2, các trường phải thực hiện lùi giờ học theo quyết định đã ban hành. Sở cũng yêu cầu nhà trường phải có kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6h30 mỗi ngày để tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh", báo Dân Trí dẫn lời ông Hồ Tấn Minh.
Trước đó, Ban giám đốc sở GD&ĐT đã quyết định lùi giờ học đối với học sinh các cấp từ mầm non đến THPT. Cụ thể, học sinh mầm non và tiểu học sẽ bắt đầu giờ học sớm nhất lúc 7h30, cấp THCS vào học sớm nhất lúc 7h15, còn cấp THPT sớm nhất là 7h.
Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo, chậm nhất đến đầu học kỳ 2, các trường phải thực hiện lùi giờ học theo quyết định đã ban hành. Ảnh minh họa: Kinh Tế Đô Thị
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, ông Hồ Tấn Minh thông tin, TP.HCM có 1.834 trường học đang hoạt động các bếp ăn tập thể. Sở GD&ĐT đã ký kết liên tịch với Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP để phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể nói trên.
Bên cạnh đó, sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện giám sát công tác chế biến, giá thành bữa ăn trong nhà trường. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn, nhà ăn, thực phẩm mỗi bữa ăn phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Báo Kinh Tế Đô Thị thông tin, tháng 10/2022, sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức các lớp tập huấn với 24.000 chuyên viên phụ trách công tác y tế trong ngành. Nội dung chủ yếu là phải đảm bảo an toàn thực phẩm, phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường.
Trên địa bàn có hơn 5.000 cơ sở giáo dục, đây là một khó khăn lớn đối với ngành. Tuy nhiên, sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, phòng giáo dục các quận, huyện và TP Thủ Đức cần phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát nhằm giảm tối thiểu tất cả những chuyện xảy ra đối với học sinh.
Chánh văn phòng sở GD&ĐT TP.HCM nói: “Với sự chỉ đạo của UBND TP, ngành giáo dục đã thành lập các đoàn đi giám sát các cơ sở giáo dục, đặc biệt tại các trường tiểu học, mầm non. Qua giám sát nhằm nắm lại tình hình thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Từ đó xác định các đơn vị có đảm bảo được hay không. Việc kiểm tra, giám sát phối hợp với Ban An toàn thực phẩm và kiểm tra đột xuất”.